MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời giải cho bài toán chống lãng phí tham nhũng tài nguyên đất nước

Một trong những bất cập của ngành khai thác tài nguyên khoáng sản đến từ việc thiếu minh bạch. Công khai thấp, trách nhiệm giải trình không có, tham nhũng, lãng phí khiến cho tài nguyên nước nhà như bị chảy máu.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây nhận định mặc cho kết quả kinh doanh thấp, các doanh nghiệp khai khoáng vẫn đề đạt nguyện vọng mở rộng quy mô. Điều này khiến cho VCCI phải đặt ra câu hỏi, báo cáo của các doanh nghiệp này chính xác đến đâu?

VCCI cũng công bố khảo sát của mình, theo đó, 85% doanh nghiệp khai khoáng thừa nhận có các khoản chi phí “phi chính thức” chiếm 10% tổng thu nhập; 72% công ty khai khoáng dựa vào quan hệ để tiếp cận thông tin.

Việc thông tin bị hạn chế, thiếu minh bạch, mà chỉ một bộ phận nhỏ tiếp cận dựa vào quan hệ đã khiến cho thị trường khai khoáng trở nên méo mó thiên lệch, gây ra những bất cập đối với ngành này. Bởi thế, tại một cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI) sau gần 10 năm bộ này được giao nhiệm vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.

Ngày 16/8, VCCI trình báo cáo cho Thủ tướng, cho biết cơ quan này đã chủ động tiến hành nghiên cứu về EITI trong 5 năm vừa qua. Cơ quan này kiến nghị lên Thủ tướng xem xét việc Việt Nam tham gia EITI và chỉ ra 7 lợi ích.

Thứ nhất, EITI cung cấp thông tin đầu vào hiệu quả cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản của Việt Nam. Điều này là đặc biệt quan trọng khi nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại.

Thứ hai, EITI giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách. Kinh nghiệm của Nigieria cho thấy, nước này đã tránh thất thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm nhờ thực thi EITI.

Thứ ba, EITI giúp các cơ quan nhà nước chủ động hơn trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là chống xuất khẩu lậu khoáng sản. Hiện nay, số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có chênh lệch gần 5 tỷ USD. Theo một số chuyên gia, xuất khẩu lậu khoáng sản chiếm phần không nhỏ trong con số chênh lệch đó.

Thứ tư, EITI tạo diễn đàn minh bạch, tin tưởng lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm xung đột xã hội, củng cố an ninh trật tự, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, EITI giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro khi khai thác khoáng sản, giảm chi phí không chính thức, đồng thời tăng cường uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp của chúng ta dễ dàng tiếp cận các thị trường của các nước phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ sáu, EITI giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo lập niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó thu hút đầu tư một cách ổn định, lâu dài vào các dự án chế biến sâu khoáng sản, đáp ứng mục tiêu quản trị tài nguyên quốc gia.

Thứ bảy, EITI giúp tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp nơi có mỏ khoáng sản, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Theo VCCI, hiện EITI đang là tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị công nghiệp khai khoáng của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện đã có 51 quốc gia thực thi EITI, với 305 báo cáo EITI cấp quốc gia được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên đến 1.900 tỷ USD.

Trong số các quốc gia tham gia EITI có cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Đức và nhiều quốc gia đang phát triển khác ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã tham gia EITI gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Đông Timor, Papua New Guinea.

Còn ở Việt Nam, EITI vẫn bị “chần chừ” bởi những lo ngại về chi phí, năng lực thực hiện và những thông tin thuộc dạng bí mật quốc gia không được phép công bố.

Tuy nhiên, VCCI trong văn bản trình Thủ tướng đã biện giải các vấn đề trên không đáng lo ngại. Ví dụ như về chi phí, VCCI đưa ra trường hợp Mông Cổ, một quốc gia giàu tài nguyên và phụ thuộc nhiều vào ngành khoáng sản trong khu vực Châu Á, chi phí để vận hành EITI là 200 nghìn USD mỗi năm (tương đương khoảng 4,4 tỷ đồng). Văn phòng EITI tại Mông cổ chỉ có 7 nhân viên thường trực.

Ngay cả mối lo về bí mật Nhà nước, VCCI cũng khẳng định, điều này sẽ không xảy ra vì tiêu chuẩn EITI rất linh hoạt. EITI cho phép các quốc gia lựa chọn thực hiện từng lĩnh vực, theo từng loại khoáng sản, từng giai đoạn của quy trình khoáng sản… phù hợp với nhu cầu và khả năng của quốc gia đó. Do đó, Việt Nam vẫn có quyền bảo lưu, không công bố những thông tin thuộc diện bí mật nhà nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể lựa chọn thực thi EITI theo từng bước từng giai đoạn, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp.

VCCI tin rằng bằng việc đưa ra quyết định gia nhập EITI, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về minh bạch, công khai, hiệu quả và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, trước hết trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên