Lời giải nào cho bài toán phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó?
Chuyên gia nhận định, bức tranh chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là gam màu xám, nghĩa là hoạt động phát hành sẽ tiếp tục trầm lắng. Để tìm lời giải cho bài toán khó này, không chỉ cần giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước mà ngay chính doanh nghiệp cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và tháo gỡ rủi ro cho thị trường này.
- 12-03-2023Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
- 08-03-2023Quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp: Qua cơn bĩ cực?
- 06-03-2023Khi nào doanh nghiệp được dùng bất động sản để trả nợ trái phiếu?
Chỉ 2 doanh nghiệp phát hành thành công
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến hết tháng 1, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022.
Trong các đợt phát hành này, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỉ đồng phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỉ đồng phát hành ra công chúng. Ba đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.
Cũng theo thống kê cho thấy trong tháng 2/2023đã có 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước. Tổng lượng trái phiếu phát hành ra công chúng thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với lãi suất là 9,5%/năm và kỳ hạn 5 năm và Công ty CP Bất động sản Sơn Kim lãi suất 13,5%/năm.
Sau khi Masan Group phát hành trái phiếu thành công, nợ của doanh nghiệp này nâng từ 31.082 tỷ đồng lên 31.761 tỷ đồng tính đến cuối ngày 20/2/2023. Trong đó, trái phiếu chưa đáo hạn là 20.200 tỷ đồng.
Phát biểu tại một cuộc toạ đàm mới đây, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn lại hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng thời gian gần đây rất khó khăn. Nguyên nhân là thị trường bất động sản phát triển quá nóng bất chấp năm 2021 kinh tế vĩ mô suy giảm.
Theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh mẽ thì vốn hóa doanh nghiệp cũng giảm, từ đó khả năng vay nợ của doanh nghiệp cũng giảm theo. Tài sản doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Bây giờ, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu bổ sung cũng cực kỳ khó, mà ngay cả nếu phát hành ra thì có bán được hay không cũng là vấn đề.
“Quý đầu tiên trong năm đã sắp đi qua hết nhưng chúng ta gần như không phát hành được. Vấn đề bây giờ là ai cứu thị trường? Cứu như thế nào? Cái chính vẫn là phải tự cứu mình thôi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Cần tháo được rủi ro
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, đưa ra chính sách nhằm giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian 2023 - 2024. Đơn cử như giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác…
Ngoài ra, còn có một điều giúp thị trường trái phiếu có thể “ấm” lên là quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trước đây, Nghị định 65 đã quy định rất chặt chẽ về điều này. Nhưng với Nghị định 08 như hiện giờ, nhà đầu tư không cần phải bắt buộc đáp ứng đủ các quy định, tạo điều kiện giúp gia tăng lượng lớn người mua có thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, “ấm” thế nào còn phải tùy thuộc vào diễn biến thị trường và niềm tin từ nhà đầu tư.
"Chính các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để có được niềm tin đó, với các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ bằng nhiều cách khác nhau và chủ động đàm phán với họ. Nghị định 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Luật pháp cũng không hề cấm điều này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings nhận định, trong 12 tháng tới, bức tranh chung của thị trường vẫn sẽ là gam màu xám, nghĩa là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng.
Lý giải cho nhận định này, ông Khang cho biết, trong những năm gần đây, đa phần nhà đầu tư tìm đến trái phiếu vì mức chênh lệch lãi suất hấp dẫn so với kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2022, nên hiện tại, ngay cả khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao thì cũng rất khó để nhà đầu tư xuống tiền mua, vì những lo ngại về rủi ro chưa được tháo gỡ.
Lượng phát hành 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm và chỉ có 2 doanh nghiệp phát hành thành công đã minh chính cho vấn đề mà PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh và ông Lê Hồng Khang nhận định.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan ban ngành tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nhịp sống thị trường