MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời hứa "suông" của các ngân hàng

30-11-2016 - 15:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Bao năm trôi qua, vẫn chỉ có 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số ngân hàng TMCP như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB và NCB mà chưa hề có thêm một “tân binh” nào.

Hồi đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH yêu cầu các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo.

Bao năm trôi qua, vẫn chỉ có 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số ngân hàng TMCP như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB và NCB mà chưa hề có thêm một “tân binh” nào.

Liên tục lỡ hẹn

Nhiều kỳ họp ĐHCĐ, cổ đông của các ngân hàng gồm MaritimeBank, Nam Á, VIB, PVcomBank... đã hối thúc ban lãnh đạo nhanh chóng thực hiện nghị quyết về việc niêm yết. Năm nay, cổ đông nhắc lại kế hoạch niêm yết đã bị “bỏ quên” khiến cổ đông khó chuyển nhượng cổ phiếu, giá trị cổ phần giảm mạnh…

Cổ đông của ngân hàng VPBank cũng rất sốt ruột về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của ngân hàng. Giải đáp thắc mắc này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT đã cho biết, theo quy định hết năm 2016 các ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết Upcom, do đó, VPBank đang tiến hành các thủ tục để lên sàn theo đúng tiến độ theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, ngân hàng vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của UBCKNN. Song, chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, đến nay phía VPBank vẫn chưa có thông tin cụ thể về câu chuyện này.

Nam Á là một trong những ngân hàng rục rịch kế hoạch lên sàn từ khá lâu. Trong năm 2015, ĐHĐCĐ của ngân hàng đã thông qua tờ trình tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo ban lãnh đạo ngân hàng này, Nam A Bank đã đủ các điều kiện để tiến hành hoàn tất thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Tuy nhiên kết thúc năm vừa qua, ngân hàng một lần nữa lại lỡ hẹn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016, cổ đông ngân hàng cũng nhắc lại chuyện cũ, đại diện Nam A Bank lý giải nguyên nhân do thị trường không thuận lợi, đặc biệt là ngành ngân hàng, cổ phiếu kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Trong năm 2016 này, Nam A Bank tiếp tục trình cổ đông thông qua chủ trương niêm yết chứng khoán và ủy quyền cho Hội đồng quản trị chọn thời điểm thực hiện trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường. Nhưng những gì cổ đông mong mỏi chắc chắn không thể trở thành hiện thực trong năm nay.

Một cái tên khác là Maritime Bank. Do ngân hàng đã lỡ hẹn niêm yết nhiều năm nên các cổ đông MaritimeBank đề nghị đưa ngay nội dung “thực hiện niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn chứng khoán theo quy định pháp luật” bổ sung vào nghị quyết của ĐHCĐ thường niên 2016. Quy mô vốn điều lệ của MaritimeBank đã đạt mức 11.750 tỷ đồng sau sáp nhập MekongBank nên số lượng cổ phiếu niêm yết sẽ rất lớn, hơn 1.175 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, lãnh đạo MaritimeBank chưa cho biết lộ trình cụ thể về kế hoạch lên sàn vào thời điểm nào.

Cũng chung hoàn cảnh, cổ đông PVcomBank đã nhiều lần đề cập đến việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, thế nhưng theo lãnh đạo của ngân hàng này, việc niêm yết như thế nào và thời gian cụ thể còn phải phụ thuộc vào quy định của Nhà nước.

Lãnh đạo PVcomBank cho biết hiện nay ngân hàng đang phụ thuộc hành lang pháp lý rất lớn trong đề án tái cấu trúc, hướng tới ngân hàng ổn định trong tương lai, đây cũng là vấn đề chính yếu, xương sống của đề án. Vì vậy thời điểm hiện nay chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết, do cả yếu tố khách quan từ thị trường.

Nhiều lý do để chần chừ

Thực tế một vài năm trước, khá nhiều ngân hàng từng có ý định lên niêm yết, nhưng kế hoạch vẫn chỉ "nằm trên giấy" với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác như xử lý tồn động sau sáp nhập, mua bán công ty tài chính, chiến lược tranh giành thị phần bán lẻ...

Ngoài ra khi niêm yết, các ngân hàng sẽ buộc phải hoạt động minh bạch, tuân thủ quy định khắt khe về công bố thông tin, đảm bảo tài chính lành mạnh, lợi nhuận tốt để cổ phiếu luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đồng thời sẽ tạo nguồn cung hàng hoá mới phong phú, chất lượng.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng lý giải do yếu tố khách quan diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng đã qua thời "cổ phiếu vua" nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông…

Trong số những lời hứa hẹn, may chăng VIB thực hiện được. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, theo kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua, VIB dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2018. Song, hiện tại, VIB đã sẵn sàng niêm yết trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình ngân hàng "lên sàn", một chuyên gia tài chính cho rằng việc yêu cầu này dường như vẫn là xa xôi và sẽ chỉ dành cho các ngân hàng đã đủ điều kiện niêm yết, còn với các ngân hàng có tình hình tài chính chưa đủ chuẩn thì sẽ tiếp tục tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu, tồn đọng cần xử lý trong hoạt động kinh doanh. Việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán trong bối cảnh hiện nay là khá bất lợi do thị trường còn nhiều khó khăn. Do đó, thời gian ngắn tới khả năng thị trường vẫn chưa thể đón nhận một làn sóng niêm yết mới.​

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên