Lợi nhuận áp đảo khi nhà nhà đều shopping online, Giao hàng tiết kiệm muốn IPO với định giá lên đến 1 tỷ USD
Các cổ đông chính của Giao hàng tiết kiệm gồm có Kerry Logistics (nắm 42%) và SEA Group - công ty mẹ của Shopee.
Giao hàng tiết kiệm (GHTK) - Dịch vụ giao hàng tận nơi - vừa có kế hoạch IPO trong nước với mức định giá lên đến 1 tỷ USD, nguồn tin từ DealStreetAsia.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nền tảng thương mại tăng tốc hậu Covid-19, song hàng với xu hướng tiêu dùng trực tuyến của người tiêu dùng.
Trong đó, GHTK chuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính và chuyển phát, là đơn vị vận chuyển dành cho thương mại điện tử (eLogistics); chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi (Last-Mile Delivery) cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trực tuyến.
Đối tượng khách hàng của Công ty tập trung vào các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng với những đơn hàng nhẹ, yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh.
Được thành lập năm 2013, trải qua 6 năm hình thành và phát triển, hiện GHTK đã có mặt tại 63 tỉnh thành với quy mô đạt hơn 20 trung tâm vận hành, số lượng xe tải đường bộ hơn 1.000++ xe, trên 700 chi nhánh với tổng diện tích hạ tầng kho bãi lên đến trên 220.000m2.
Các cổ đông chính của Giao hàng tiết kiệm gồm có Kerry Logistics (nắm 42% - mới đầu tư từ năm 2020) và SEA Group - công ty mẹ của Shopee.
Theo số liệu của chúng tôi, trong năm 2019-2020, Giao hàng tiết kiệm đều đạt trên 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi những đối thủ chính khác như Giao hành nhanh, J&T, Ninja Van hay Lazada Express đều báo lỗ lớn.
Về tiềm năng thị trường, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, giao hàng trong ngày (Lấy sáng – giao chiều, lấy chiều – giao tối) đã trở thành mục tiêu của nhiều "ông lớn" TMĐT và cả các Shop bán hàng online. Bởi đây chính là yếu tố mấu chốt của TMĐT: "nhanh" và "tiện lợi".
Yếu tố "nhanh" của giao hàng trong ngày đã tạo thành cuộc đua trong sân chơi TMĐT, tốc độ đã thúc đẩy thị phần bán hàng trực tuyến trong ngành bán lẻ gia tăng mạnh mẽ. Bởi, đơn hàng được chốt và ghi nhận doanh thu về cửa hàng khi và chỉ khi hàng được giao thành công. Các thống kê cho biết, hiện có hơn 70% khách hàng lựa chọn COD (dịch vụ thu tiền hộ. Với dịch vụ giao hàng trong ngày, đơn vị vận chuyển thu tiền hộ và đối soát ngay sau 2 – 3 ngày, giúp cửa hàng quay vòng vốn nhanh chóng.
Yếu tố "nhanh" cũng tạo nên sự "tiện lợi" cho khách hàng, xoá bỏ tâm lý chờ đợi giao hàng, khách hàng chắc chắn sẽ chọn mua hàng online tại cửa hàng thân quen, bởi họ sẽ không tốn thời gian chạy qua cửa hàng.
Theo dự báo từ các chuyên gia, trong năm 2022 TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường và phục hồi sau đại dịch.
Theo đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng lại là chất xúc tác rút ngắn khoảng cách giữa người và người mua.
Đặc biệt, trong việc phát triển ứng dụng cho TMĐT đến năm 2025 thì khoảng cách này đã rút ngắn từ 1-2 năm so với kế hoạch.
Minh chứng mùa mua sắm cao điểm Tết 2022, các sàn TMĐT lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40-100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng; Lazada nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Phản hồi về thông này, phía Giao hàng Tiết kiệm cho biết: "IPO luôn là mong muốn của nhiều công ty công nghệ, và GHTK cũng đang trong quá trình thực hiện dù điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mục tiêu của GHTK là trở thành một trong những công ty công nghệ của người Việt được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam"