MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận Eximbank tăng hơn trăm tỷ sau soát xét

01-09-2019 - 09:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau soát xét, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của EIB đã được tăng lên 762,5 tỷ đồng...

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019 sau soát xét của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) cho thấy lợi nhuận của ngân hàng đã được điều chỉnh tăng.

Theo đó, kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh khoản mục lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, từ 43,4 tỷ đồng trong báo cáo tự lập tăng lên 154,8 tỷ đồng sau soát xét.

Được biết, kiểm toán đã điều chỉnh giảm 111,4 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kỳ hạn đang được EIB phản ánh trên khoản mục chênh lệch tỷ giá thuộc vốn chủ sở hữu. Cơ sở của việc điều chỉnh là để đảm bảo nguyên tắc số liệu có thể so sánh được giữa các kỳ khi trình bày báo cáo tài chính giữa niên độ.

Do đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của EIB đã được tăng thêm tương ứng 111,4 tỷ đồng, đạt 762,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 619,5 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng tài sản cũng điều chỉnh lên mức 159.591 tỷ đồng, tăng 4,5% so với hồi đầu năm.

Tại ý kiến của kiểm toán, kiểm toán viên có lưu ý tới việc Ngân hàng phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay một nhóm khách hàng với số tiền 746 tỷ đồng được đảm bảo bằng tài sản là cổ phiếu của một ngân hàng khác. Vấn đề này không ảnh hưởng tới kết luận soát xét của phía kiểm toán.

Được biết, số cổ phiếu được cầm cố làm tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Thuyết minh cụ thể cho biết, trong dư nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn tại ngày 30/6/2019 có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ngân hàng khác và dự phòng tương ứng là 21,263 tỷ đồng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ.

Năm 2016, EIB đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Tới ngày lập báo cáo trên, 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc 312 tỷ đồng đã có các bản án sơ thẩm và phải hoàn trả lại cho EIB tiền gốc và lãi phát sinh là 437,94 tỷ đồng khi bản án có hiệu lực.

Trong trường hợp khách hàng không thể thanh toán khi đến hạn thì EIB được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Các khách hàng này đã kháng cáo về phần tính lãi tương ứng với các khoản vay của họ. Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 434 tỷ đồng, EIB đang chờ Tòa án giải quyết.

Tại ngày 30/6/2019, nếu EIB thực hiện việc trích lập dự phóng đối với các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho kỳ 6 tháng sẽ tăng lên 129,62 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi 103,69 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Minh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên