MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng 2022: Kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn

24-03-2022 - 20:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng 2022: Kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn

Chi phí vốn, bộ đệm dự phòng và công nghệ là những nhân tố kích thích mạnh hơn sự phân hóa lợi nhuận ngân hàng trong năm nay.

Mặc dù quý 1/2022 còn chưa kết thúc, nhưng nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố những con số lợi nhuận ước tính khả quan. 

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý 1/2022 của ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý 1/2022 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24 - 25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm.

Nhưng thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh không hẳn là mẫu số chung. Ngoài ra, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như VPBank với triển vọng bán vốn cho cổ đông chiến lược, MSB bán công ty con FCCOM, lợi nhuận ngân hàng năm nay dự kiến sẽ "thuần" hơn thay vì đệm các yếu tố bất thường như vài năm trước.

Theo đó, ngân hàng nào có các lợi thế về chi phí vốn, bộ đệm dự phòng và công nghệ sẽ là những thành viên có lợi thế trong cuộc đua về hiệu quả kinh doanh.

Trong năm nay, chi phí huy động vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ. Tương tự, lãi suất cho vay có thể sẽ duy trì tiệm cận với mức hiện tại hoặc chỉ tăng nhẹ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa đảo chiều chính sách tiền tệ, vẫn có sự nới lỏng nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Điều này cũng có nghĩa tỷ lệ lãi biên (NIM) của toàn ngành dự kiến sẽ đi ngang trong thời gian tới. Theo đó, ngân hàng nào sở hữu nguồn vốn giá rẻ càng lớn, tức có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, sẽ càng có lợi thế trong việc cải thiện NIM so với toàn ngành. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản và bộ đệm dự phòng cũng là những yếu tố quan trọng đóng góp vào hiệu quả hoạt động của các thành viên.

Số liệu từ NHNN cho thấy, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) đã tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021, từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) - cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm nay và các năm tiếp theo, khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu. 

Theo đó, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro của các ngân hàng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những thành viên có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch. 

Với "bộ đệm" dày, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ bớt áp lực với việc tăng chi phí dự phòng. Đồng thời, khả năng ngân hàng được hoàn nhập dự phòng do khách hàng phục hồi kinh doanh và hoàn các khoản vay và lãi sẽ là một cơ sở quan trọng tạo đà lợi nhuận cao cho ngân hàng trong năm nay.

Điển hình cho triển vọng trên là Vietcombank, MB, Techcombank, ACB..., khi đều đã có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu (LLR) rất cao, quanh 200% và thậm chí hơn. Khi nền kinh tế đã gần như mở cửa hoàn toàn, cộng thêm gói hỗ trợ phục hồi 350.000 tỷ đồng ngấm vào thực tiễn, triển vọng hồi phục và trả nợ của những khoản tái cơ cấu đi cùng với lợi thế hoàn nhập mạnh hơn nữa cho lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/6 tới, nếu những khoản nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Điều này cũng phản ánh, khi LLR chưa bao đủ, nợ được cơ cấu mà chưa ghi nhận nhóm thực, lợi nhuận của họ năm nay vẫn chưa thực sự phản ánh đủ các cân đối chung về dự phòng.

Với những khác biệt trên, những nhà băng đã mạnh trong năm 2021 và chủ động hơn cho 2022 thì lợi nhuận sẽ càng mạnh; phân hóa trong hệ thống ở chỉ tiêu này sẽ càng trở nên sâu sắc.

Bên cạnh chi phí vốn, bộ đệm dự phòng, một yếu tố nữa được chú ý là khả năng hấp thụ giá trị công nghệ của mỗi thành viên; cũng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp phân hóa lợi nhuận ngân hàng trong năm nay.

Những thành viên mạnh về công nghệ và dữ liệu sẽ có cơ sở để tối ưu cân đối vốn, giảm thiểu chi phí, giảm thiểu rủi ro khi đo lường khách hàng chuẩn hơn. Đồng thời, lợi thế về công nghệ cũng là tiền đề giúp nhà băng thu hút tệp khách hàng lớn, tăng nguồn thu ngoài lãi. Hiệu ứng hỗ trợ lợi nhuận ở đây (ít nhất ở tác động giảm thiểu chi phí) cũng là xu hướng đã và đang khẳng định.

Theo Trần Thuý

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên