MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngày càng thụt lùi so với Bình Minh, Nhựa Tiền Phong lại thêm “đau đầu” trước sự xâm nhập của Hoa Sen và Tân Á Đại Thành

11-04-2017 - 11:01 AM | Doanh nghiệp

Sau khi tương đối thành công ở miền Nam, Hoa Sen dự kiến sẽ bán ống nhựa tại thị trường miền Bắc từ giữa năm 2017. Nhựa Tiền Phong đánh giá đây là thách thức rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) vừa công bố báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch năm 2017.

Công ty cho biết, trong năm 2016, thị trường ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành ống nhựa phục vụ xây dựng, cấp thoát nước nói riêng cũng có sự tăng trưởng tương đối tốt, nhiều dự án vốn ODA, WB, ADB, vốn xã hội hóa ngành cấp nước, các dự án Bất động sản, hạ tầng … đồng loạt triển khai. Do đó, sản lượng tiêu thụ đã tăng 21% so với năm trước và doanh thu hợp nhất tăng 23% lên 4.352 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khiêm tốn hơn khi chỉ tăng 8,5% từ 412 tỷ lên 447 tỷ đồng.

Năm 2017, công ty đặt kế hoạch khá khiêm tốn với mục tiêu doanh thu tăng 12% và lợi nhuận trước thuế của riêng công ty mẹ tăng 7%.

Tân Á Đại Thành và Hoa Sen nhảy vào cạnh tranh

Điểm đáng chú ý là trong báo của mình, Nhựa Tiền Phong đã đề cập rất chi tiết đến việc có thêm 2 doanh nghiệp lớn gia nhập thị trường ống nhựa tại Miền Bắc – địa bàn tiêu thụ chủ yếu của công ty – là Tân Á Đại Thành.

Công ty Tân Á – Đại Thành, doanh nghiệp được biết đến chủ yếu với lĩnh vực sản xuất bình inox, bình nhựa, bình năng lượng mặt trời đã đầu tư các dây chuyền thiết bị của Châu Âu để sản xuất các loại ống nhựa PVC, HDPE, PPR tại Phố Nối – Hưng Yên. Bắt đầu bán sản phẩm bán ra thị trường từ T5/2016. Ước tính doanh thu năm 2016 đạt khoảng 280 tỷ.

Công ty Hoa Sen (HSG) đang xây dựng thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn Hà Nam để sản xuất ống và phụ tùng u.PVC, HDPE, PPR. Dự kiến tháng 5 năm 2017 Hoa Sen sẽ bắt đầu triển khai bán ống và phụ tùng u.PVC, HDPE, PPR ở thị trường miền Bắc.

Nhựa Tiền Phong nhận định đây là thách thức lớn đối công ty vì Hoa Sen là doang nghiệp lớn, tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới phân phối rộng, chính sách kinh doanh rất linh hoạt. Hoa Sen đã tương đối thành công trong việc sản xuất kinh doanh ống nhựa ở miền Nam (dự báo doanh thu các loại ống nhựa ở miền Nam của Hoa Sen năm 2016 khoảng 1.200 tỷ, trở thành là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn thứ 2 ở miền Nam và lớn thứ 3 cả nước).

Hiện nay Hoa Sen đang triển khai bán hàng ở miền Bắc với chính sách sản phẩm u.PVC là giảm giá so với giá công bố của NTP là 5%, chiết khấu từ 35-39%, chiết khấu HDPE từ 36-38%, chiết khấu PPR từ 67-68.5%.

Lợi nhuận thụt lùi so với Nhựa Bình Minh

Trong số hơn 4.350 tỷ đồng doanh thu năm 2016 của Nhựa Tiền Phong thì có 3.890 tỷ đồng là doanh thu của công ty mẹ tại Hải Phòng (không tính bán cho công ty con) và 462 tỷ đồng doanh thu của công ty Tiền Phong Miền Trung.

Nhựa Tiền Phong còn có một công ty liên kết là Nhựa Tiền Phong Miền Nam (sở hữu 38%) đạt doanh thu 660 tỷ đồng.

Nhựa Bình Minh (BMP) đạt doanh thu thuần 3.300 tỷ đồng trong năm 2016 (bao gồm cả công ty con Nhựa Bình Minh Miền Bắc), chỉ bằng ¾ so với doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong; nhưng Bình Minh mới là doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội.

Thậm chí khoảng cách lợi nhuận giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này đang có xu hướng được nới rộng: giai đoạn 2012-2014, lợi nhuận của Bình Minh chỉ cao hơn khoảng 100 tỷ so với Tiền Phong thì sang năm 2016, khoảng cách này đã lên đến hơn 320 tỷ đồng.

Bình quân cứ 100 đồng doanh thu thì Bình Minh đạt 23 đồng lãi trong khi Nhựa Tiền Phong chỉ đạt 10 đồng.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên