MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'teo tóp', mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam thế nào sau 9 tháng đầu năm 2023?

24-10-2023 - 13:33 PM | Thị trường

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'teo tóp', mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam thế nào sau 9 tháng đầu năm 2023?

Sau 9 tháng xuất khẩu ảm đạm, nhiều doanh nghiệp dệt may ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã đi qua với nhiều khó khăn tác động lên nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu 2,56 tỷ USD hàng dệt may, giảm mạnh 25,5% so với tháng trước đó; giảm 6,17% so với tháng 9/2022. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của nước ta thu về hơn 25,09 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý 3/2023, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 9,28 tỷ USD, giảm 1,16 tỷ (tương đương giảm 11,1%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'teo tóp', mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam thế nào sau 9 tháng đầu năm 2023? - Ảnh 1.

Xét về thị trường, trong 9 tháng/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực như xuất sang Hoa Kỳ là 11,01 tỷ USD, giảm 20,6%; xuất sang EU (27 nước) là 2,9 tỷ USD giảm 13,7%; xuất sang Hàn Quốc là 2,43 tỷ USD, giảm 3,6%. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt 2,94 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty dệt may sụt giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của một số doanh nghiệp dệt may đã cung cấp như dệt may Thành Công, dệt may Hòa Thọ, Sợi Thế Kỷ, dệt may Huế đều ghi nhận lợi nhuận giảm lần lượt 42%; 18%; 67% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'teo tóp', mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam thế nào sau 9 tháng đầu năm 2023? - Ảnh 2.

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn kéo dài do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng.

Đối với thị trường lớn nhất, Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng tại Trung Mỹ, cụ thể là các quốc gia thuộc khu vực mậu dịch tự do Trung Mỹ, điển hình là Dominica để đưa sản xuất về gần hơn với Mỹ. Thị trường EU, đến tháng 9/2023 có xu hướng giảm do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2/2023. Nhu cầu và giá bán của ngành sợi vẫn chưa được cải thiện. Lãi suất tăng mạnh dẫn đến chi phí lãi vay tăng 58% so với cùng kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp còn bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ…

Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh…, trong khi đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'teo tóp', mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam thế nào sau 9 tháng đầu năm 2023? - Ảnh 3.

Ảnh: Báo Công thương

Theo Vinatex, lực cầu thấp của ngành dệt may có thể kéo dài sang năm sau. Những tháng cuối năm nay, thị trường chưa có động lực tăng với tổng cầu có thể chỉ tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội vào cuối năm.

Vinatex kỳ vọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ nửa cuối năm sẽ tăng 10% so với nửa đầu năm, từ đó kim ngạch nhập khẩu cả năm 2023 của thị trường Mỹ có thể đạt tới 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm trước.

Trong khi đó, tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023.

SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Năm 2021 dệt may Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu trên thị trường thế giới với 5,7% thị phần. Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 10,5-11% so với năm 2021, vẫn đứng vị trí thứ 3 sau Trung Quốc, Bangladesh.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên