Lối ra cho loạt dự án lớn (*): Tối ưu hóa chính sách bồi thường
Cùng 2 nghị quyết quan trọng, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nếu được thông qua là cơ sở để tăng mạnh nguồn lực phát triển TP HCM, từ đó giúp khai thông những dự án lớn.
- 22-06-2023Đề xuất đưa những sai phạm điển hình vào Luật Đất đai để răn đe, phòng ngừa chung
- 21-06-2023Luật Đất đai (sửa đổi): Giá đất làm “nóng” nghị trường Quốc hội
- 21-06-2023Đại biểu Quốc hội: Sửa Luật Đất đai cần giải quyết vấn đề chênh lệch địa tô
Sau nhiều lần kiến nghị và nhận được sự ủng hộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất bằng phương thức hoán đổi đất ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, TP HCM đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
Nhận diện 26 nguyên nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Võ Trung Trực nói khi nghị quyết mới được thông qua sẽ tạo bước đột phá trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
.Phóng viên: Thời gian qua nhiều dự án lớn tại TP HCM chưa thể triển khai mà khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hạn chế nguồn lực tài chính được xác định là nguyên nhân chính. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM VÕ TRUNG TRỰC: Một số dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần vốn lớn nhưng đến nay nguồn lực của TP HCM chưa thể đáp ứng. Trong khi đó, công tác chuẩn bị để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa tốt, hiệu quả vận động quần chúng ủng hộ các dự án chưa cao, việc giao ranh, cắm mốc, kiểm đếm, đo đạc, xác nhận hồ sơ pháp lý nhà đất của người sử dụng đất đôi lúc không đạt.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các phòng, ban đơn vị thuộc quận, huyện trong công tác bồi thường với sở, ngành thiếu nhuần nhuyễn; chủ đầu tư chậm phối hợp, việc bố trí nền đất và căn hộ tái định cư thiếu kịp thời.
Bên cạnh đó, quỹ nhà đất tái định cư tại nhiều địa phương có sự chênh lệch, một số quy định về đất đai, chính sách chưa thật rõ ràng nên khi áp dụng trong thực tiễn còn vướng mắc...
Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp của người đứng đầu địa phương có nơi, có lúc còn chưa chủ động nên chậm trễ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… cũng là một trong những khó khăn.
.Sở TN-MT TP HCM có giải pháp hay tham mưu chính sách gì để tháo gỡ vướng mắc, tạo bước chuyển trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện các dự án lớn trên địa bàn thành phố?
- Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Sở TN-MT nhận diện 26 nguyên nhân, từ đó tham mưu UBND TP HCM ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục. Sở TN-MT cũng đã dự thảo nghị quyết về đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố gắn với trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các sở, ngành liên quan. Sở TN-MT cũng tham mưu UBND TP HCM ban hành trình tự thủ tục để các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.
Dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) - một dự án cần vốn lớn nhưng nguồn lực TP HCM chưa thể đáp ứng
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 sắp kết thúc giai đoạn 1 và được xem là "kiểu mẫu". Vì vậy, Sở TN-MT và một số địa phương đang đúc kết kinh nghiệm để triển khai cho các dự án khác.
Song song đó, sở có văn bản đề nghị 21 quận huyện và TP Thủ Đức trong tháng này chọn lọc những bài học hay, kinh nghiệm quý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổng hợp, sơ kết rút kinh nghiệm. Sở TN-MT cũng sẽ trao đổi, phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy và báo cáo UBND TP để có hình thức nhân rộng mô hình về công tác dân vận cho các địa phương để trong thời gian tới các địa phương thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tốt hơn.
Những tiền đề quan trọng
.Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có nội dung hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở. Ông có thể cho biết thêm về điều này?
- Phương thức hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, TP HCM đã áp dụng từ hơn 20 năm trước và đã thành công với nhiều dự án. Người dân đồng thuận cao do tỉ lệ hoán đổi đất nông nghiệp qua đất ở từ 8%-12% vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, về sau pháp luật không quy định như vậy nữa và TP HCM muốn quay trở lại cách đó. Bộ TN-MT cũng ủng hộ đề xuất thí điểm chính sách này của thành phố.
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trong đó có nội dung về hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo tỉ lệ phù hợp.
Lãnh đạo thành phố rất quan tâm thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Cộng với việc nếu nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được thông qua thì đây là những cơ sở rất quan trọng để thành phố có nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện công tác bồi thường, đầu tư xây dựng những dự án hạ tầng xã hội, y tế, thể thao lớn phục vụ người dân thành phố.
.Ông kỳ vọng gì khi TP HCM được thực hiện hoán đổi đất ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật?
- Nguồn lực tài chính của thành phố không đủ để triển khai bồi thường những dự án lớn nên phương thức bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác theo tỉ lệ nhất định mà vẫn bảo đảm nguyên tắc ngang giá thị trường sẽ mang lại hiệu quả, bảo đảm lợi ích cho người dân hài hòa lợi ích nhà nước, giúp người dân có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Người dân có thể đổi đất nông nghiệp lấy đất ở hoặc căn hộ tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Các khu đất nông nghiệp có diện tích đất lớn được quy hoạch, thiết kế đẹp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ và nhiều tiện ích sẽ giúp người dân thấy việc thực hiện bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác có nhiều lợi ích.
Họ sẽ đồng thuận, vui vẻ khi nhà nước thu hồi đất. Từ đó, tạo bước đột phá trong thu hồi đất và tiết giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Để thực hiện ngay các cơ chế, chính sách trong nghị quyết mới, UBND TP HCM đã có kế hoạch triển khai. Sở TN-MT cũng đã ban hành quyết định phân công nhiệm vụ cho Ban Giám đốc và các phòng, ban chuyên môn để thực hiện thật tốt các nội dung có liên quan, trong đó có bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác. Đồng thời, lấy ý kiến các địa phương có liên quan về quy hoạch, quỹ đất.
Sở TN-MT cũng đang nghiên cứu sơ bộ dự thảo về quy trình triển khai cụ thể một số dự án theo phương thức hoán đổi này. Từ đó, lấy ý kiến sở ngành có liên quan để báo cáo UBND thành phố. Để thực hiện tốt Nghị quyết 54 sửa đổi, TP HCM rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thêm của bộ, ngành trung ương và Chính phủ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-6
Sẽ làm tốt hơn
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM), nhận định hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật là phương án hợp lý. Người dân có đất nông nghiệp thì có thể đổi đất ở hoặc căn hộ, phần đất nông nghiệp dành để phát triển các dự án lớn của thành phố.
Mấu chốt của phương thức hoán đổi này là người dân có điều kiện bảo đảm tái định cư gần nơi ở cũ, từ đó tạo sự đồng thuận cao hơn khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. "Nhiều lúc, người dân nhận tiền rồi nhưng không biết mua nhà, mua đất ở đâu, thậm chí không biết đủ tiền mua không" - ông đặt vấn đề và khẳng định trước đây thành phố đã từng áp dụng phương thức hoán đổi và thành công thì không có lý do gì lần này không làm tốt hơn nữa.
Chia sẻ quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM) cho rằng phương thức hoán đổi đất thể hiện sự linh hoạt của chính quyền. Chính sách này sẽ giúp tái định cư tốt, không còn cảnh cầm tiền bồi thường đất nông nghiệp mà không đủ tiền đi mua đất. Việc hoán đổi theo nguyên tắc ngang giá, nhà nước thu hồi đất không có hạ tầng và trả cho người dân đất đầy đủ hạ tầng theo tỉ lệ phù hợp.
Người lao động