Lợn chết 3,3 triệu con giá vẫn giảm mạnh, dân 2 lần lỗ đau
Đã có trên 3,3 triệu con lợn bị tiêu huỷ do mắc dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng giá thịt lợn tại nhiều địa phương vẫn đang đà giảm mạnh, dân nuôi thua lỗ. Vậy nguyên nhân có phải do lượng thịt lợn nhập khẩu tăng tăng đột biến?
- 24-07-2019Giá thịt lợn dự kiến sẽ tăng
- 14-06-2019Ðề xuất hỗ trợ 25.000 đồng/kg thịt lợn tiêu hủy
- 05-06-2019Lo Tết thiếu thịt, vì sao doanh nghiệp còn e ngại không tham gia cấp đông thịt lợn?
Người chăn nuôi lỗ 1 triệu đồng/tạ lợn
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau hơn 5 tháng phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại Hưng Yên, đến nay dịch bệnh đã lây lan ra 62/63 tỉnh thành phố, buộc phải tiêu huỷ trên 3,3 triệu con lợn. Hiện chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận là chưa phát hiện lợn mắc DTLCP.
Cùng với tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, giá thịt lợn hiện tại cũng đang có xu hướng giảm mạnh tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Đơn cử, tại các tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt mức 30.000-33.000 đồng/kg. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà giá lợn hơi đạt 33.000-35.000 đồng/kg.
Cho đến thời điểm hiện tại chỉ có Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận vẫn giữ được giá thịt lợn hơi ổn định ở mức 40.000-41.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại nhiều địa phương vẫn đang giảm mạnh dù tổng số lượng lợn tiêu huỷ do dịch bênh đã lên tới trên 3,3 triệu con
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, hiện giá thịt lợn hơi giảm chỉ còn chưa đầy 30.000 đồng/kg.Trong khi đó, tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi đang giảm thê thảm, xuống chỉ còn 29.000-32.000 đồng//kg. Ví như ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Vĩnh Long đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg, xuống mức 30.000 đồng/kg. Trà Vinh tăng nhẹ lên mức 31.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang thất thủ, con số thiệt hại do DTLCP là vô cùng lớn.
Ông cho biết, giá lợn tại Đồng Nai hiện chỉ quanh mốc 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng sau khi bán 1 tạ lợn hơi.
Dịp này chỉ có các tỉnh ở miền Bắc giá lợn ổn định quanh mốc 39.000-41.000 đồng/kg, song cũng đang có chiều hướng giảm nhẹ so với giá thời điểm cách đây 1 tuần.
Giá giảm do dân bán tháo chạy dịch
Hiện dịch đang lây lan mạnh, lợn bị tiêu huỷ đã lên tới 3,3 triệu con, chiếm trên 10% tổng đàn, thậm chí Bộ NN-PTNT còn thừa nhận, con số lợn bị tiêu huỷ trên thực tế có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê. Nhiều địa phương đã trắng chuồng, dân hết sạch lợn. Vậy tại sao giá thịt lợn tại các địa phương vẫn không tăng mà lại tiếp tục giảm mạnh?
Nhiều người cho rằng, do thời gian gần đây lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến khiến giá lợn trong nước không thể tăng. Bởi, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi gần 24 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Thịt lợn nhập khẩu không ảnh hưởng đến giá trong nước. Hiện nay giá lợn hơi giảm do người dân có tâm lý bán tống bán tháo đi để chạy dịch
Trong khi đó, riêng TP.HCM, theo thống kê của Cục Hải quan thành phố, 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt lợn, tăng gần 4.800 tấn và 8,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, giá thịt lợn mảnh nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, rẻ hơn hơn cả giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong nước.
Trao đổi về vấn đề trên với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán khẳng định số lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam dù tăng đột biến trong thời gian qua song không vì thế mà ảnh hưởng tới giá thịt lợn trong nước.
Theo ông, giá thịt lợn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam đợt này giảm mạnh, không thể tăng là vì suốt mấy tuần qua khi dịch bệnh hoành hành, người chăn nuôi có tâm lý lo sợ, muốn bán chạy dịch vì sợ nếu lợn mắc bệnh này thì sẽ lỗ nặng hơn.
Do tâm lý bán tống bán tháo để đảm bảo an toàn nên loại lợn trọng lượng từ 70-80kg được đẩy ra bán ồ ạt, thị trường thừa cung dẫn đến giá giảm mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận giá lợn không thể tăng mà lại có chiều hướng giảm có 2 nguyên nhân: Thứ nhất, do người chăn nuôi ở các tỉnh miền Trung và miền Nam bán chạy lợn quá nhiều vì sợ dịch. Theo đó, thị trường thừa cung dẫn đến giá giảm.
Ở các tỉnh miền Bắc không có tình trạng này nên giá lợn thời gian gần đây đã tăng và ổn định ở mức khá cao.
Thứ hai, do đang là mùa hè, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người tiêu dùng giảm mạnh. Thông thường, những tháng này họ chuyển sang ăn các đồ ăn có tính mát, giải nhiệt như cua, cá, chứ ít ăn thịt lợn.
Song, ông cũng nhận định, đà giảm giá sẽ sớm chấm dứt. Đặc biệt, sang tới thời điểm tháng 8 và tháng 9 giá thịt lợn hơi xuất chuồng sẽ quay đầu tăng mạnh, có thể tăng lên mức 45.000 đồng/kg và giữ ổn định ở mức cao chứ không giảm nữa.
Vietnamnet