MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lớn gấp nhiều lần Biti's, doanh nghiệp kín tiếng này mới thực sự là tên tuổi lớn ngành da giày Việt Nam

04-01-2017 - 08:29 AM | Doanh nghiệp

Với lợi nhuận hàng năm lên đến vài trăm tỷ đồng, Thái Bình Shoes vượt trội so với tất cả các doanh nghiệp da giầy nội địa, thậm chí còn lãi lớn hơn rất nhiều doanh nghiệp FDI hàng đầu trong ngành.

Nhắc tới các sản phẩm giày dép mang thương hiệu Việt, hầu hết mọi người, đặc biệt các thế hệ 8x, 9x đều nghĩ ngay đến Biti’s với những ưu điểm nổi trội như bền, rẻ, dễ mua. So với các thương hiệu có tiếng khác, Biti’s hiện sở hữu một hệ thống phân phối khá ấn tượng, trải dài từ Nam ra Bắc với 7 Trung tâm chi nhánh, 68 cửa hàng tiếp thị và hơn 1.500 trung gian phân phối bán lẻ.

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu ngoại như Adidas, Nike, Converse… đã khiến Biti’s không còn được ưa chuộng như trước nhưng không thể phủ nhận đây vẫn là một trong những thương hiệu giày dép nội địa thành công nhất, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn về mức độ nhận diện hình ảnh.

Dù vậy, xét về quy mô hoạt động thì Biti’s vẫn chỉ là một tên tuổi trung bình trong ngành da giày Việt Nam với số lượng lao động khoảng 9.000 người và sản lượng hàng năm khoảng trên 20 triệu đôi.

Hầu hết các doanh nghiệp da giày lớn nhất tại Việt Nam đều đến từ khối FDI, có thể kể tới một vài tên tuổi như Pouyuen, Chang Shin, Tae Kwang Vina với doanh thu hàng năm lên đến vài trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD như PouYen. Các doanh nghiệp này là đối tác gia công sản xuất cho hầu hết các thương hiệu giày hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Converse…

Trong khi đó, các doanh nghiệp da giày Việt Nam có quy mô khá nhỏ. Cái tên đáng chú ý nhất là Thái Bình Shoes (TBS Group) và đây là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi trong ngành da giày có thể so kè về quy mô với các doanh nghiệp FDI.

Được thành lập từ năm 1992 bởi ông Nguyễn Đức Thuấn, sau gần 25 năm đi vào hoạt động, Thái Bình Shoes (TBS Group) đã trở thành đối tác gia công sản phẩm tầm cỡ của các tên tuổi như Skechers, Decathon, Wolverine trong ngành giày hay Coach, Lancaster, Tory Burch trong ngành túi xách.

Theo số liệu mới nhất được công bố, vốn điều lệ TBS hiện đạt 770 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Thuấn nắm giữ 70% cổ phần. Hiện tại, ông Nguyễn Đức Thuấn đang nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT TBS Group kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam. Ngoài ra, ông Thuấn cũng nắm giữ gần 5 triệu cổ phiếu VPS của CTCP Thuốc Sát Trùng Việt Nam, tương đương 20,23% vốn điều lệ và là Thành viên HĐQT Công ty.

Năm 2014, doanh nghiệp này đạt trên 5.300 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận thuộc hàng tốt nhất trong ngành.

Con theo bảng xếp hạng VNR500, TBS Group hiện đứng thứ 144 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về mặt doanh thu, xếp sau Novaland và đứng trên Hóa dầu Petrolimex (PLC). Với bảng xếp hạng này, có thể ước tính doanh thu năm 2015 của TBS Group vào khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hiện tại, số lượng lao động của TBS Group lên tới 30.000 người, gấp khoảng 3 lần so với Biti’s. Với ngành sản xuất da giày không có quá nhiều sự khác biệt về mặt công nghệ, số lượng nhân sự phần nào đã phản ánh quy mô sản xuất của doanh nghiệp.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên