MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Long An đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn

Long An xem xét nâng cấp cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh để nâng cao năng lực thuyết trình, mời gọi, tư vấn các nhà đầu tư lớn. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Long An xem xét nâng cấp cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh để nâng cao năng lực thuyết trình, mời gọi, tư vấn các nhà đầu tư lớn. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Những năm qua, Long An là địa phương luôn đứng top đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn Long An gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định, chính sách và tỉnh này đang nỗ lực tháo gỡ.

Doanh nghiệp FDI kêu khó

Theo ông Kang Myong Il, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, trong số những khó khăn, vướng mắc mà Tổng lãnh sự ghi nhận từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tại Long An, đa số là về vấn đề thuế và giấy phép.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn các điều khoản trong văn bản quy định của ngành thuế rõ ràng hơn. Việc áp dụng cách hiểu về quy định pháp luật cần phải công bằng, rõ ràng và nhất quán. Việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp liên tục bị chậm trễ, kéo dài cũng cần phải khắc phục.

Tương tự, ông Inoue Koji, Trưởng nhóm doanh nghiệp Nhật Bản tại Long An cho rằng, việc nộp thuế là nghĩa vụ quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp gặp vấn đề thiếu nhất quán cách hiểu trong một vài luật thuế. Việc phát sinh các vấn đề thuế khiến doanh nghiệp rất quan ngại vì phát sinh chi phí ngoài kế hoạch liên tục trong vài năm gần đây.

Long An đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn - Ảnh 1.

Thông điệp của Long An trong năm 2023, với phương châm “nói đi đôi với làm”. (Ảnh: Nguyễn Quang)

“Để loại bỏ sự quan ngại đó, chúng tôi muốn đề xuất rằng ví dụ nếu có bất kỳ những thay đổi trong chính sách thu thuế đối với các công ty do thay đổi trong luật định hay các thông tư hoặc do chứng từ công ty chuẩn bị chưa đầy đủ thì nên có sự giải thích rõ ràng trước. Tôi sẽ đánh giá cao nếu hai bên có thể đạt được thỏa thuận trước với nhau ngay từ đầu” - ông Inoue Koji nói.

Theo ông Phor Hooi Khoon, Hiệp lý nhân sự Tập đoàn Ching Luh, khu Công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ngoài khó khăn về chính sách về thuế thì doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi chưa tiếp cận những chính sách phù hợp về bảo hiểm. Nếu các doanh nghiệp có điều kiện cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giải quyết vấn đề này, đây cũng là điều thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Ông Phor Hooi Khoon, kiến nghị: “Theo tôi nghĩ hiện nguồn lao động đang có xu hướng rút bảo hiểm một lần, nếu chính sách chậm thay đổi sẽ rất khó cho doanh nghiệp thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao phục vụ hoạt động sản xuất. Long An cần có những xem xét, kiến nghị với cơ quan Trung ương làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề giữ người lao động, cũng như có những chính sách phù hợp về bảo hiểm đối với người lao động”.

Long An đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp FDI than khó về chính sách thuế, chính sách bảo hiểm, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Xử lý dứt điểm khó khăn của doanh nghiệp FDI

Năm 2022, Long An có thêm 4 khu công nghiệp với diện tích 1.770 ha, nâng tổng số khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lên 24. Tỉnh này cũng có thêm 1 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, nâng tổng số cụm công nghiệp đang hoạt động lên 23 cụm.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh Long An thu hút đầu tư được 5 dự án mới tại các khu công nghiệp, nâng tổng số lên hơn 1.700 dự án đầu tư với diện tích trên 4.200 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 64,1%.

Tại Long An hiện có 856 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn trên 5.700 triệu USD và 911 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 116.600 tỷ đồng. Các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động.

Với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI phát sinh trong quá trình hoạt động, chính quyền tỉnh Long An thường xuyên lắng nghe và tích cực tìm phương án tháo gỡ.

Tỉnh Long An ghi nhận những vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai trong các khu cụm công nghiệp, chính sách thuế, thủ tục đầu tư; cấp giấy phép lao động, visa cho chuyên gia, lao động chất lượng cao người nước ngoài, bảo hiểm xã hội cho người lao động...

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An khẳng định, tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh trong vòng 15 ngày. Những vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương thì tỉnh sẽ có tổng hợp báo cáo sớm để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Long An cũng sẽ có những nghiên cứu đột phá về chính sách thu hút đầu tư, dành nhiều nguồn lực giúp cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng với tạo điều kiện và hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tỉnh này cũng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có ngành nghề và công nghệ phù hợp với định hướng phát triển.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An cho biết: “Tôi nghĩ rằng đây cũng là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến với Long An. Chúng tôi cũng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tương đối hiện đại, năng lực tốt để tạo cú hích cho Long An phát triển bền vững trong thời gian tới”.

Năm 2023, để tiếp tục thu hút đầu tư, Long An sẽ tính toán, xem xét nâng cấp cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh. Cơ quan này sẽ có năng lực thuyết trình, mời gọi, tư vấn các nhà đầu tư lớn trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia và bảo đảm tính thống nhất, nhất quán, thông suốt với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thủ tục cấp phép đầu tư./.

Theo Nguyễn Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên