MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lòng đố kị: "Chúng ta thà để người ngoài làm tỷ phú, cũng không muốn người quen mua vé số trúng một cái chậu nhựa"

10-12-2019 - 09:24 AM | Sống

Lòng đố kị một khi đã thâm nhập được vào ta, nó sẽ khiến người mắc bệnh trúng độc ngày càng nặng hơn. Nhưng, đừng để lòng đố kị trói buộc sự lương thiện của bạn.

Trên mạng có một câu nói nhận được rất nhiều lượt like:

"Chúng ta thà để người ngoài làm tỷ phú, cũng không muốn người quen mua vé số trúng một cái chậu nhựa".

Lòng đố kị một khi đã thâm nhập được vào ta, nó sẽ khiến người mắc bệnh trúng độc ngày càng nặng hơn.

Nhưng, đừng để lòng đố kị trói buộc sự lương thiện của bạn...

"Đố kị" và "ngưỡng mộ" đều là những cảm xúc của con người, nó khiến chúng ta khao khát, ghen tị với những gì người khác có, chứ không phải những bất hạnh của họ.

Vài hôm trước, tôi có xem được một đoạn phim ngắn, đoạn phim ấy khiến tôi vô cùng ấn tượng.

Ở ga xe lửa, có một cậu bé gầy gò với một chiếc dép đã bị bung quai, cậu bé dừng lại đi vào trong một góc nhỏ, thử sửa lại chiếc dép rách nát kia. Biểu cảm khuôn mặt từ bình thường đến tức giận, giận bản thân không sửa được, cũng giận chiếc dép không tự mình "cố gắng".

Trong lúc đang tức giận, suy nghĩ không biết phải làm sao, bỗng nhiên có một đôi giày da màu đen đi ngang qua cậu. Chủ nhân của đôi giày màu đen đó là một cậu bé, vừa đi vừa nghiêng người dùng giấy lau đôi giày. Người cha đi bên cạnh không kiên nhẫn, gọi cậu bé nhanh nhanh bắt kịp mình, vừa gọi vừa tìm một chiếc ghế ngồi đợi đoàn tàu đến.

Lòng đố kị: Chúng ta thà để người ngoài làm tỷ phú, cũng không muốn người quen mua vé số trúng một cái chậu nhựa - Ảnh 1.

Cậu bé ngồi xuống ghế vẫn tiếp tục lau lau đôi giày, trông có vẻ rất trân trọng đôi giày ấy. Nhưng cậu bé ấy không biết rằng, ở một góc xa kia cũng có một cậu bé đang dán mắt vào đôi giày đẹp đẽ kia của cậu, đôi mắt ngập tràn sự ngưỡng mộ, bởi lẽ trong tay cậu lúc này chỉ có một chiếc dép rách, và cũng chẳng có ai ở bên cạnh chăm sóc như vậy.

Không lâu sau, đoàn tàu tới, người cha nhắc con trai nhanh chóng lên tàu, cậu con trai chỉ chú tâm vào việc lau giày, bị dòng người đẩy tụt lại phía sau, khó khăn lắm mới lên được tàu, nhưng không may cậu bé lại bị tuột mất một chiếc giày lại.

Cậu bé với chiếc dép rách trông thấy chiếc giày bị rơi đã chạy lại, cậu cầm chiếc giày lên, đảo mắt nhìn xung quanh, dường như đang xem xem có ai để ý không. Cứ ngỡ cậu bé sẽ lấy chiếc giày đó nhưng không, câu đã chạy đuổi theo đoàn tàu đang khởi động dần với hi vọng trả lại được chiếc giày cho cậu bé đánh rơi giày.

Một người đứng ở cửa tàu giơ tay ra chờ đợi, một người cố gắng chạy đuổi kịp đoàn tàu để trả lại chiếc giày, nhưng sức người không lại được sức tàu, cậu bé với chiếc dép rách đã không thể đuổi kịp đoàn tàu. Và một chuyện không ai ngờ, cậu bé đánh rơi giày đã ném nốt chiếc giày còn lại lại cho cậu bé với chiếc dép rách... Cả hai nhìn nhau, mỉm cười nói "tạm biệt"...

Cậu bé với chiếc dép rách bỗng chốc trở thành người mà vừa mới trước đó mình đã rất ngưỡng mộ...

Trong giây phút đó, cả hai đều rất hạnh phúc....

Ngưỡng mộ và mong muốn có chiếc giày tới như vậy, nhưng vì sao cậu bé với đôi dép rách không giữ chiếc giày lại cho riêng mình? Đó là bởi cậu không để lòng đố kị lấy đi sự lương thiện trong cậu, cũng chính vì vậy mà câu chuyện đã có một kết cục mà có lẽ không ai nghĩ tới.

Thực ra, cậu bé hoàn toàn có thể vì xuất thân và hoàn cảnh của mình mà đố kị với người có điều kiện tốt hơn cậu, chỉ cần cậu nghĩ rằng "dù sao mình cũng không có, vậy thì người khác cũng đừng hòng có được" mà giữ lại chiếc giày cho mình.

Nhưng không, cậu tuy ngưỡng mộ cậu bé có đôi giày mới kia, nhưng cậu lại không hề đố kị với đối phương.

Lòng đố kị: Chúng ta thà để người ngoài làm tỷ phú, cũng không muốn người quen mua vé số trúng một cái chậu nhựa - Ảnh 2.

"Đố kị" và "ngưỡng mộ" đều là những cảm xúc của con người, nó khiến chúng ta khao khát những thứ mà người khác có, chứ không phải là những bất hạnh của đối phương.

Nhưng ngưỡng mộ và đố kị lại có một điểm rất khác nhau đó là "đố kị" mang tính công kích nhiều hơn so với "ngưỡng mộ", cũng dễ dàng khiến trái tim của con người mất đi bản chất đơn thuần vốn có của nó.

Khi một người bị lòng đố kị che mờ mắt, họ nhất định sẽ làm mọi thứ để đối phương thấp kém hơn mình, đối với họ mà nói, một nước không thể nào có hai vua.

Nhưng, ngưỡng mộ lại không như vậy, khi bạn ngưỡng mộ một người, bạn sẽ lấy họ làm động lực khích lệ bản thân trở nên tốt hơn. Bạn không cảm thấy có bạn là không có họ, mọi người ai cũng có nét đẹp riêng, có thể cùng nhau tồn tại.

Còn đối với những người có lòng đố kị, thế giới ngoài kia có bao nhiêu điều tốt đẹp cũng sẽ không thể trở thành động lực thay đổi của họ.

Đố kị với người khác, bạn vẫn sống tốt hay không tốt, không ai biết, nhưng có thể khẳng định một điều rằng bạn sẽ không bao giờ có thể thực sự hạnh phúc.

Quay trở lại câu chuyện phía trên, cả hai cậu bé đều lựa chọn cho mình sự lương thiện, một người cố gắng trả lại niềm vui cho một người, một người cố gắng tạo ra niềm hạnh phúc cho người còn lại. Cả hai đều không để sự đố kị che mắt mình.

Phải cần biết bao tự tin, mới có thể lựa chọn buông tay, để người khác có được hạnh phúc...

Thì ra, thành toàn cho người khác không phải là từ bỏ, mà là sự thấu hiểu, là sự lương thiện...

Thì ra, bỏ qua sự đố kị, thế giới này vẫn tồn tại biết bao điều tốt đẹp...

Theo Như Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên