MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lotteria, KFC và Jollibee sẽ phải lo sợ với mô hình chuỗi “gà rán xe đẩy” của đại gia Thái C.P Group

01-07-2016 - 13:58 PM | Doanh nghiệp

Đổ bộ nhanh chóng khắp hang cùng ngõ hẻm với hàng trăm điểm bán, C.P có lẽ sẽ tạo nên biến động đáng kể trên thị trường fastfood Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 6 vừa rồi, thị trường fastfood lại chứng kiến thêm 1 cửa hàng Lotteria khá “hoành tráng” tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Pasteur quận 3 TPHCM bất ngờ đóng cửa.

Lotteria hiện là chuỗi có số lượng cửa hàng lớn nhất trong số các chuỗi fastfood nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Tốc độ mở rộng của chuỗi này đang chậm lại rõ rệt so với giai đoạn tăng nóng 2012-2014. Viễn cảnh về sự thoái trào của mô hình thức ăn nhanh nhượng quyền từ nước ngoài dường như đang dần trở thành hiện thực.

Các chuỗi khác (cùng phân khúc bán sản phẩm gà chiên, bánh burger), cũng chung cảnh ngộ, hoặc đang tăng trưởng chậm lại, hoặc cầm chừng giữ thị phần, thậm chí có chuỗi đang thụt lùi và thua lỗ. Đóng cửa bớt các điểm bán không hiệu quả đang là phương án giải quyết chung cho nhiều chuỗi fastfood thời điểm này.

Trong bối cảnh đó, khá ngạc nhiên khi thị trường fastfood lại tiếp tục đón nhận một “tay chơi” mới đến từ Thái Lan, cũng xắn tay vào kinh doanh fastfood: C.P Group.

C.P Việt Nam (trực thuộc tập đoàn C.P Group, Thái Lan) đang nắm thị phần chi phối trong lĩnh vực trứng gà công nghiệp, thịt gà công nghiệp và thức ăn chăn nuôi. Theo tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, doanh nghiệp này đang xúc tiến mạnh mẽ việc mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star, với mô hình xe đẩy và ki-ốt. Đối tượng nhượng quyền thương hiệu hướng đến là các hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít.

Đổ bộ nhanh chóng khắp hang cùng ngõ hẻm với hàng trăm điểm bán, C.P có lẽ sẽ tạo nên biến động đáng kể trên thị trường fastfood Việt Nam. Cùng so sánh mô hình “gà rán xe đẩy” của C.P Group với các chuỗi fastfood hiện có để thấy sự tương quan giữa hai hình thức kinh doanh này.

Số lượng điểm bán

Chia sẻ với báo chí, đại diện C.P Việt Nam cho biết đã mở được khoảng 600 ki-ốt Five Star trên cả nước, trong đó TPHCM có trên 100 điểm bán.

Ngoài Việt Nam, mô hình này cũng đã được C.P Group triển khai tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Myanmar hay Bangladesh...

Như vậy, nếu chỉ xét về số lượng điểm bán thì chuỗi gà rán xe đẩy của C.P đang tỏ ra áp đảo hoàn toàn so với các chuỗi khác như Lotteria với khoảng hơn 200 cửa hàng, chuỗi KFC vào khoảng 140 cửa hàng và con số khiêm tốn hơn 80 cửa hàng của Jollibee.

Với số lượng điểm bán lớn và khả năng cơ động cao, chuỗi Five Star sẽ dễ thâm nhập vào các cao ốc văn phòng, đường hẻm nhỏ, các khu dân cư ngoại ô, vùng nông thôn và nhất là khu vực gần trường học, điểm du lịch, nhà thi đấu thể thao … mà các ông lớn như Lotteria, KFC và Jollibee chưa thể vươn tới hết được.

Sản phẩm – Giá bán

Về sản phẩm, chuỗi Five Star chủ yếu bán gà quay và gà chiên, tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC. Five Star, sử dụng luôn nguồn nguyên liệu gà tươi của C.P Việt Nam.

Giá bán tại Five Star chỉ bằng 1/3-1/2 giá sản phẩm tương tự tại các chuỗi lớn như KFC, Lotteria, Jollibee...

Giá bán tại Five Star chỉ bằng 1/3-1/2 giá sản phẩm tương tự tại các chuỗi lớn như KFC, Lotteria, Jollibee...

Chiếm khoảng 22% thị phần thịt gà công nghiệp Việt Nam với quy trình sản xuất khép kín từ con giống, chăn nuôi cho đến thành phẩm (“Feed – Farm – Food”), mô hình gà rán xe đẩy coi như giải quyết luôn khâu tiêu thụ cho C.P Việt Nam. C.P Việt Nam đang làm rất tốt công việc quen thuộc: nuôi tận gốc, bán tận ngọn và thu trọn phần lãi.

Trong khi đó, các chuỗi Lotteria và KFC cũng đang sử dụng gà của C.P. Gà rán của “người nhà” chắc chắn giá phải rẻ hơn nhiều so với giá của “người ngoài”.

Giá một đùi gà hay ức gà chiên/quay của Five Star chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng, chỉ bằng ½ so với giá bán tại các cửa hàng ở Lotteria hay KFC.

Rào cản gia nhập

Để sở hữu một ki-ốt nhượng quyền Five Star, khách hàng cần tìm mặt bằng chưa đến 10m2 ở một địa điểm thuận lợi. Sau khi có mặt bằng, khách hàng sẽ ký hợp đồng với công ty và học cách thức bán hàng trong khoảng 5 ngày. Mỗi ki-ốt người chủ phải tốn chi phí là 21 triệu đồng (gồm phí đặt cọc 8 triệu đồng), nếu mở mini – outlet có chỗ ngồi thì chi phí là 25,55 triệu đồng.

Mô hình liên kết kinh doanh ki-ốt Five Star phù hợp với nhiều đối tượng từ bà nội trợ đến đội ngũ công nhân, sinh viên, kể cả học sinh đều có thể thử sức khởi nghiệp. Chủ một ki-ốt Five Star tại quận 1 TPHCM cho biết do vị trí kinh doanh ngay gần trường học và ký túc xá, nên khách hàng của chị chủ yếu là sinh viên và học sinh.

Nhờ mức giá bán khá rẻ nên việc kinh doanh cũng khá tốt. Theo chị, lợi nhuận trung bình từ ki-ốt gà rán này vào khoảng 500.000-1 triệu đồng/ngày.

Trong khi để tham gia nhượng quyền một chuỗi fastfood lớn, đơn vị nhận nhượng quyền phải đáp ứng nhiều tiêu chí ngặt nghèo về vốn, cơ sở vật chất, trình độ nhân viên – quản lý, mặt bằng đẹp để kinh doanh trên phố lớn, chỉ tiêu doanh thu…

Lấy ví dụ với chuỗi McDonald’s – chuỗi fastfood lớn nhất thế giới, để mở một nhà hàng nhượng quyền, McDonald's yêu cầu bên nhận nhượng quyền phải sở hữu tài sản lưu động (tiền mặt và các tài sản thanh khoản cao) tối thiểu ở mức 750.000 USD. Theo McDonald's, các chi phí startup, gồm chi phí xây dựng và thiết bị, sẽ vào khoảng từ 955.708 USD đến 2,3 triệu USD.

Với quy mô lớn hơn và đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, doanh thu trên mỗi cửa hàng của các chuỗi lớn chắc chắn sẽ cao hơn 1 xe đẩy nhỏ. Tuy nhiên, nếu so về tỉ suất lợi nhuận thì chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”.

Phân khúc thị trường

So với các chuỗi Lotteria hay KFC thì chuỗi gà rán xe đẩy của C.P nằm ở phân khúc thị trường thấp hơn, về chất lượng phục vụ, sự đồng đều của sản phẩm, và mức doanh thu mỗi điểm bán.

Tuy nhiên, bằng lợi thế giá rẻ nhờ chi phí thấp, nhắm vào số đông khách hàng có thu nhập trung bình và thói quen đi xe máy mua hàng của người Việt, cũng như ưu điểm vượt trội về chi phí mặt bằng, nhân viên và sự hỗ trợ toàn diện từ tập đoàn mẹ C.P, dự báo đây sẽ là đối thủ đáng gờm của các đại gia như Lotteria, KFC hay Jollibee trong thời gian tới.

Theo Duy Khánh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên