LS Trương Thanh Đức: Đa số nợ xấu đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó và chậm được xử lý để thu hồi
Quan điểm của Luật sư Đức, nếu như người vay không còn khả năng trả nợ, mà cũng lại chẳng có tài sản bảo đảm, thì ngân hàng đành phải chấp nhận xoá nợ. Nhưng điều vô lý rất đáng lo ngại là, đa số nợ xấu của ngành Ngân hàng đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ.
-
Khi nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản thì không phải là được, mà nhiều khi còn mất. Ít nhất thì cũng phiền hà, rắc rối và mất thời gian để giải quyết.
-
Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì. Tương tự, người đi mua giùm cho người khác cũng không hề vi phạm
Bình luận về câu chuyện nợ xấu tại Hội thảo "Xử lý nợ xấu: Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật” , Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC đã so sánh nợ xấu có thể ví giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hoá khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt. Vậy mà thanh lý không được, hạ giá không xong, giải toả không nổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự trở ngại, khó khăn, vướng mắc, bế tắc pháp lý.
Luật sư chỉ ra nguyên nhân trước hết và cơ bản dẫn đến nợ xấu là do người vay không trả được nợ. Trách nhiệm chủ yếu và cuối cùng phải trả nợ xấu là của bên vay. Thế nhưng, dường như đạo lý là mắc nợ như mắc tội, đã biến thành nghịch lý mắc nợ như vô tội. Pháp lý là có vay phải có trả, nhưng đã trở thành cái lý cứ vay rồi trốn trả.
Nếu như người vay không còn khả năng trả nợ, mà cũng lại chẳng có tài sản bảo đảm, thì ngân hàng đành phải chấp nhận xoá nợ. Nhưng điều vô lý rất đáng lo ngại là, đa số nợ xấu của ngành Ngân hàng đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ.
"Vấn đề vướng mắc chủ yếu đặt ra là đối với tài sản thế chấp, trong đó hầu hết là đối với bất động sản", ông Đức nêu vấn đề.
Nợ xấu tức là tất cả đều xấu, không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế xấu. Dưới góc độ luật pháp, luật sư chỉ ra 5 vấn đề: Quyền sở hữu đối với tài sản, quyền có chỗ ở, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền thu giữ tài sản thế chấp & điều kiện thu giữ nhà ở.
Về việc bảo vệ quyền sở hữu, theo Khoản 2, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ; Khoản 1 Điều 163 về “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, Bộ luật Dân sự năm năm 2015 quy định: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.
Tuy nhiên, quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm đã bị hạn chế theo cả thoả thuận cũng như theo quy định của pháp luật, chứ không còn đầy đủ quyền sở hữu, với 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bình thường như khi chưa đưa tài sản vào bảo đảm. Chẳng hạn, Điều 320 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định 8 nghĩa vụ của bên thế chấp, trong đó có nghĩa vụ “phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị” và nghĩa vụ “không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”.
Như vậy, tuy cùng chung một nguyên tắc Hiến định và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi người, nhưng rõ ràng quyền sở hữu của chủ nợ và của bên nhận bảo đảm tài sản là không bị hạn chế, còn quyền sở hữu đối với tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ thì đã bị hạn chế rất nhiều theo Luật và theo thoả thuận.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, LS Trương Thanh Đức nêu rõ 3 bộ luật Dân sự năm 1995, 2005 và 2015 đều quy định, bên nhận bảo đảm lập tức có quyền định đoạt và được quyền sở hữu tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng đối với các biện pháp bảo đảm cầm cố, đặt cọc, ký cược và ký quỹ. Thực tế gần như chỉ còn đặt ra đối với việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất và bất động sản khác gắn liền với đất.
Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” và “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
Khoản 6, Điều 320 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp ”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một trong các nghĩa vụ của bên thế chấp là “Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý”. Quy định này đồng nghĩa với việc bên nhận thế chấp được quyền nhận tài sản thế chấp để xử lý.
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được thu giữ tài sản bảo đảm trong “trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật (hiện nay đang được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội) là rất cần thiết và hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Và trong mọi trường hợp, cũng chỉ đặt ra việc thu giữ tài sản bảo đảm khi đã có thoả thuận cụ thể giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm. Khi đã tự nguyện thoả thuận đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào cầm cố, thế chấp, chủ sở hữu tài sản cũng đã đồng ý cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ đến hạn. Do vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm thực ra chỉ là một khâu hỗ trợ cần thiết để có thể xử lý phát mại, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm trên thực tế.
Luật sư chia sẻ thêm trên thực tế việc thu giữ tài sản thế chấp gần như chỉ thực hiện được khi chủ sở hữu và người đang giữ tài sản thế chấp tự nguyện bàn giao hoặc ít nhất là không phản đối việc thu giữ tài sản của bên nhận thế chấp. Còn trường hợp không có sự tự nguyện hay không đồng ý của chủ sở hữu hay người đang quản lý thì bên nhận thế chấp cũng không được phép dùng vũ lực, không có quyền cưỡng ép và không thực hiện được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để con (khách) nợ và bên thế chấp tài sản nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải tôn sự trọng cam kết, thoả thuận, tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm. Còn nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Cuối cùng, kể cả trường hợp tài sản bảo đảm hay nhà ở thế chấp đã được thu giữ, nhưng nếu chủ sở hữu tài sản không đồng ý với việc thu giữ và xử lý thì vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp như bình thường.