MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa hè thu 2019: Lại loay hoay “rớt giá, khó bán”

22-06-2019 - 08:47 AM | Thị trường

“Rớt giá - khó bán”, nhiều nơi, nông dân (ND) thu hoạch xong cả chục ngày vẫn chưa tìm được người mua. Mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng việc tiêu thụ lúa vụ hè thu 2019 đã rơi vào ngõ hẹp. Đã vậy, mưa kèm gió mạnh những ngày qua làm nhiều ruộng lúa đổ ngã, ngâm mình trong biển nước...

Giữa bốn bề khốn khó

Về An Giang, Đồng Tháp - hai vựa lúa lớn của ĐBSCL - vào thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa hè thu, tôi chứng kiến cảnh ND dài cổ chờ bán lúa... với giá thấp. Ngồi trước đám ruộng sắp thu hoạch, gương mặt ông Bùi Văn Dũng (xã Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang) buồn rười rượi: “Chưa thu hoạch, nhưng biết chắc lỗ mấy chục triệu đồng rồi”.

Ông Dũng trồng hơn 80 công (1.000m2/công), do năm nay thời tiết bất thường nên năng suất lúa chỉ được 400 - 500kg/công, giảm nhiều so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Điều này đã trực tiếp đẩy giá thành lúa lên cao, ước bình quân 2,2 triệu đồng/công. Thế nhưng, giá bán lại đang lao dốc. Hiện lúa IR50404 đang dưới 4.000đ/kg, mức thấp kỷ lục nhiều năm qua. Với giá này, bình quân ND lỗ lên đến 200.000 đồng/công. Với 80 công, ông Dũng lỗ gần 20 triệu đồng. Đó là chưa kể đến chi phí nhân công mà ông và gia đình đã đổ vào đây suốt hơn 3 tháng qua.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu được lỗ ở mức này là may mắn. “Vừa rồi, có người trồng 12 công lúa, lúc bán xong chỉ được 14 triệu đồng, nản quá phải bỏ đi Bình Dương làm thuê” - ông Dũng chia sẻ.

Đây cũng là tình cảnh chung mà hàng nghìn ND vùng ĐBSCL đang hứng chịu trong mùa lúa rớt giá. Trong khi đó, hầu hết ND đều có nhu cầu bán lúa ngay sau thu hoạch để trang trải những thúc bách từ chi phí vụ trước, rồi chi phí vụ liền kề và chi trả các khoản sinh hoạt trong gia đình... Vì thế, nhiều người đã dễ dàng rơi vào những chiếc “bẫy” của thương lái (TL). Điển hình là trường hợp của hơn 30 ND xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vừa trải qua.

Nỗi oan thương lái

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều ND đổ lỗi tiêu thụ khó khăn cũng như giá lúa xuống thấp là do TL. “Chính TL lên kịch bản chậm mua lại để đè giá lúa...” - một lão nông ở Tháp Mười bức xúc.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên (Đồng Tháp) - chuyên gia nghiên cứu độc lập về lĩnh vực nông nghiệp - đây là hàm oan cho TL. Bởi thực tế, TL chỉ đóng vai trò “cầu nối” trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo chưa bố trí được mạng lưới thu mua cơ sở. Các tổng công ty, DN xuất khẩu gạo mới là nơi quyết định toàn bộ, từ chủng loại, chất lượng gạo cho đến việc bán cho ai, giá cả và thời điểm bán... sau đó mới ra giá cho TL thu mua.

Trở lại chuyện vụ lúa hè thu 2019, theo ThS Tuyên, hiện hai trong số các khách hàng lớn của gạo Việt Nam là Philippines và Trung Quốc đang tạm ngưng nhập khẩu, đã khiến đầu ra hạt lúa trong nước gặp khó như hiện nay. “Trong đó, Philippines =tạm ngưng nhập khẩu gạo để chờ kết quả thu hoạch lúa trong nước. Còn Trung Quốc, một mặt các tỉnh hạn chế nhập khẩu gạo để sử dụng lượng gạo dự trữ trong nước lên đến 80 triệu tấn, một mặt tổ chức bán tháo gạo tồn kho với giá rẻ sang các quốc gia Châu Phi”. Cụ thể, Trung Quốc sẽ bán 797.000 tấn gạo (nhiều hơn lượng gạo VN xuất khẩu cả tháng 5) với giá 1.852 NDT/tấn (tương đương 268 USD/tấn và 6.278 đồng/kg). Điều này cho thấy, gạo Việt không chỉ gặp khó khi chen chân vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, mà còn bị gạo Trung Quốc cạnh tranh gay gắt tại thị trường thứ ba. Nói cách khác, DN xuất khẩu gạo Việt Nam bị hẹp đầu ra nên kéo theo TL giảm mua lúa trong dân, là nguyên nhân khiến lúa rớt giá...

“Đói” thông tin

Thật ra, không phải đến bây giờ, mà lâu nay ND trồng lúa luôn bấp bênh theo sự trồi sụt thất thường của giá gạo xuất khẩu và nguyên nhân chính là do đói thông tin. Đầu tháng 5 vừa qua, khi được Bộ Công Thương hướng dẫn về Đồng Tháp tìm hiểu thực tế, Hiệp hội doanh nghiệp lương thực Trung Quốc - quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng lớn - đã bày tỏ ngạc nhiên vì trước đó chưa hề biết Việt Nam xây dựng thương hiệu, hình ảnh lúa gạo cao đến vậy.

Ông Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho biết thêm: “DN xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ “đói” thông tin về đối tác mà còn thiếu thông tin để đối tác tìm hiểu về mình. Đặc biệt hơn, phía DN Việt Nam còn thiếu thông tin về các DN nằm ở vùng sâu của Trung Quốc”. Vì thế, đến nay vẫn chưa có thương hiệu gạo lớn Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Đây chính là căn nguyên của “chứng bệnh” khiến gạo Việt bị hẹp đầu ra, rồi dồn đẩy hạt lúa trong nước vào vòng luẩn quẩn của điệp khúc buồn: Đến mùa, rớt giá, khó bán.

Theo Lục Tùng

Lao Động

Trở lên trên