MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Đất đai khiến nhiều đại biểu băn khoăn trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV

Luật Đất đai khiến nhiều đại biểu băn khoăn trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV

Bên cạnh những điểm chưa hợp lý nhưng chậm được sửa đổi, việc không nghiêm túc tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và những luật liên quan là điều nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trên nghị trường Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong 5 năm qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy của Đà Nẵng cũng nêu ra những vấn đề còn tồn tại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng buông lỏng kỷ cương, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản.

"Một trong những cơ chế dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai. Nhận thấy điều này, Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên, Chính phủ đã liên tục đề nghị lùi thời điểm trình dự án luật này và cho tới nay hết nhiệm kỳ vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo luật", bà Thúy cho biết.

Bên cạnh những bất cập, một điểm nữa cũng được vị Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra là việc không thực thi nghiêm túc các quy định của luật này và một số luật liên quan dẫn đến những vi phạm của một số cán bộ có trách nhiệm và của tổ chức, cá nhân khác.

Dẫn kiến nghị của cử tri, bà Thúy cho biết thông tin về đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch. Điều này vi phạm quy định tại Điều 28 của Luật Đất đai về công khai thông tin, dẫn đến rủi ro mà người dân chịu thiệt hại lớn nhất.

Lấy ví dụ về những lùm xùm mà Công ty Địa ốc Alibaba gây ra, bà Thúy cho rằng việc công khai thông tin trên hệ thống đất đai có thể giúp ngăn chặn những giao dịch lừa đảo, bán dự án ma như những gì công ty Alibaba thực hiện, giúp đông đảo nhà đầu tư, người dân tránh được mất tiền.

"Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi mong rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này", bà Thúy cho biết.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau cũng nêu ra những băn khoăn về tình trạng thực thi pháp luật, trong đó có việc những luật nằm trong kế hoạch được sửa đổi bị thay đổi, đưa ra trong khi các luật không có trong kế hoạch lại được đưa vào.

"Rất tài tình, Chính phủ đã lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì Chính phủ còn quá hiền lành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình", ông Hận đưa hai từ hiền lành và ngoặc kép và đưa ra những giải thích.

Nói về xây dựng và thực thi pháp luật thì tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tình trạng xin bổ sung, xin lùi trước dự án luật vẫn còn xảy ra. Một số dự án luật mặc dù có kế hoạch từ đầu nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên đến cuối khóa mà vẫn chưa trình được Quốc hội thông qua, thí dụ như Luật về Hội, Luật Đất đai. Trong khi đó, một số dự án luật không có trong kế hoạch và chưa thật sự chín muồi lại được đề xuất đưa vào trình Quốc hội.

Nêu ra các giải pháp, ông Hận mong nhiệm kỳ khóa sau đặc biệt lưu ý đến các dự án luật còn nợ, các dự án luật đang có vấn đề trong thực tiễn, như Luật Đất đai và trên cơ sở đó phân công soạn thảo, chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo hướng khoa học, chặt chẽ, bao quát kín kẽ, rõ ràng và minh bạch.

Trong phát biểu của mình, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm của đoàn Tp Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh Chính phủ phải quyết tâm sửa đổi Luật Đất đai bởi hiện nay, luật này có rất nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, của người sử dụng đất. Đây là một trong 4 vấn đề lớn mà bà Tâm kiến nghị với Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng phải sửa đổi Luật Đất đai cũng như các luật thể hiện sự bất cập. Đây là một luật mà có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân và khó khăn là phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt, vấn đề này nóng bỏng khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai.

"Cử tri đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút như đã nêu trên. Vẫn ở vấn đề này, tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khóa XV tới đây cần quan tâm có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện các giải pháp mà được nêu trong báo cáo, để khắc phục được hạn chế này, nhất là đối với Luật Đất đai. Tôi hy vọng rằng nó sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật", bà Bé nói.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên