MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Luật hở, nhà đầu tư Trung Quốc đang hưởng lợi’

Đà Nẵng đề xuất cần đưa vào quy định nếu thay đổi cổ đông sẽ phải đóng thuế để tránh thất thu cho ngân sách.

Sáng 26-7, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng nhằm tìm hiểu những vướng mắc, hạn chế trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật liên quan.

Thất thu thuế

Ông Trần Văn Sơn (Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng) cho biết có tình trạng nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (trong đó có các dự án của NĐT Trung Quốc - PV) thành lập công ty con tại TP Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án bất động sản, du lịch. Tiếp đó, các chủ đầu tư này chuyển nhượng dự án cho NĐT khác thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại Đà Nẵng. Việc này đang diễn ra ồ ạt tại đây.

“Luật của chúng ta chưa quy định về việc chuyển đổi cổ đông, chủ sở hữu với các trường hợp này nên không nhận được một đồng thuế nào. Đây là lỗ hổng rất lớn của luật. Chúng tôi kiến nghị cần đưa vào quy định nếu thay đổi cổ đông sẽ phải đóng thuế” - ông Sơn nói.

Dẫn chứng, ông Sơn cho biết Resort Hyatt (quận Ngũ Hành Sơn) có công ty mẹ ở nước ngoài. Vừa rồi, công ty mẹ đã chuyển nhượng cho một đơn vị khác với giá chuyển nhượng lên tới 1.000 tỉ đồng nhưng địa phương không thể thu thuế.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, nói về các lỗ hổng pháp luật và tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) tìm cách lách để hưởng lợi. Ảnh: LÊ PHI

Siết lại việc mua cổ phần

Ông Trần Văn Sơn cho biết thêm thời gian qua, có tình trạng NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng có quyền sử dụng đất tại TP Đà Nẵng. Việc này đặc biệt được các NĐT Trung Quốc tận dụng.

Ông Trần Văn Sơn kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị Quốc hội bổ sung Luật Đầu tư. Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của NĐT nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất thì cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định nhằm quản lý chặt việc này…

Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho rằng Đà Nẵng “bắt mạch” rất đúng các tồn tại. Đoàn sẽ về báo cáo lại với Thủ tướng xem xét bổ sung, sửa đổi trong thẩm quyền của mình và sẽ trình Quốc hội xem xét.

Sẽ chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động du lịch

Liên quan đến tình hình du lịch Việt Nam, đặc biệt là một số vấn đề với khách du lịch Trung Quốc, ngày 26-7, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), khẳng định: Mọi du khách quốc tế luôn được chào đón tại Việt Nam. Những vấn đề phát sinh trong thời gian qua trong hoạt động du lịch đối với thị trường Trung Quốc cũng tương tự như đã từng gặp phải đối với các thị trường Hàn Quốc, Nga và một số thị trường khác. Chúng ta không nên kỳ thị bất cứ du khách nào. Bởi du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Ông Tuấn cũng cho hay ngành du lịch sẽ phối hợp với các địa phương quản lý chặt hơn các doanh nghiệp lữ hành đưa đón khách quốc tế. Chúng ta kiên quyết không để tình trạng lữ hành không đủ năng lực đón khách gây ra tình trạng lộn xộn như thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cũng thừa nhận thời gian qua, nhiều công ty du lịch của Việt Nam thực hiện chưa đúng, chưa đủ các quy định về việc giải quyết cho khách nước ngoài xin thị thực (visa) vào tham quan, du lịch tại Việt Nam. Theo bà Hương Lan, sắp tới cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh, yêu cầu các công ty du lịch của Việt Nam, đại lý du lịch phải tuân thủ đúng quy định pháp luật của Việt Nam.

Viết Thịnh

Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cho biết qua kiểm tra một số địa bàn du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, cơ quan này đã phát hiện, xử lý một số hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài không có giấy phép lao động ở Việt Nam. Cụ thể, Hàn Quốc (hơn 30 người), Nga (hơn 20 người), Trung Quốc (17 người).

Một trong những nguyên nhân của việc sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài là do lượng khách lớn từ các thị trường nói trên, trong khi các công ty du lịch Việt Nam chưa có đủ số lượng hướng dẫn viên hoặc hướng dẫn viên biết tiếng nước ngoài. Do đó, các công ty du lịch đã kết hợp giữa đoàn tour với hướng dẫn viên nước ngoài để phiên dịch cho thành viên trong đoàn.

Theo Lê Phi

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên