Luật sư của Vũ "nhôm" cung cấp bằng chứng mới gì ở tòa?
Luật sư của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đã cung cấp "chứng cứ mới" là tài liệu ghi chữ nước ngoài nhưng không được tòa chấp nhận.
- 14-10-2018Truy tố Phan Văn Anh Vũ và 25 đồng phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng
- 09-08-2018Khởi tố thêm tội danh đối với Phan Văn Anh Vũ và 4 đồng phạm
- 07-02-2018Ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thêm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ
Chiều 27/11, TAND TP HCM tiếp tục đưa các bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng TMCP Đông Á - Ngân hàng Đông Á), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm vụ án thiệt hại 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ vừa là bị cáo, vừa có vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.Vũ bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á hơn 200 tỷ đồng thông qua việc mua lại 12,73% cổ phần của ngân hàng này.
Trong phạm vi vụ án, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm khiến nhà băng thiệt hại 3.608 tỷ đồng. Ông này đã sử dụng tên vợ là Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ) cùng 2 con gái để đứng tên mua cổ phần của ngân hàng.
Sau đó, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á chỉ đạo cấp dưới lập bảng kê và phiếu thu khống tiền để bù âm quỹ. Bà Dung có mặt tại phiên xử còn 2 con gái vắng mặt.
Phan Văn Anh Vũ tại phiên xử.
Quá trình thẩm vấn lý lịch hoàn tất, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bảo vệ Vũ "nhôm") cho biết "có chứng cứ mới" muốn trình tòa và được HĐXX đề nghị cung cấp vào giờ chiều. Đúng 14h giờ cùng ngày, luật sư Trạch đã nộp tài liệu được cho là ‘chứng cứ mới’, HĐXX nhận xong tài liệu, chưa công bố nội dung.
Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy đó là những tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án, tài liệu phục vụ việc bào chữa. Ngoài ra, luật sư Trạch còn trình 1 tài liệu khác. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy tài liệu này là tiếng nước ngoài không phù hợp với pháp luật Việt Nam và cũng chỉ là bản photo nên quyết định không chấp nhận.
Theo nguồn tin riêng cho biết, tài liệu được luật sư của ông Vũ "nhôm" cung cấp chính là giấy xác nhận ông Vũ mang thêm quốc tịch nước ngoài khác. Trước đó tại phiên xử, Vũ khai còn 2 tên gọi khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Ông ta cũng cho biết vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch Antigua and Barbuda. Trong phần thẩm vấn lý lịch, Vũ cũng nhiều lần cho rằng mình bị oan sai: "Trong vụ án này oan bị cáo quá!".
Ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (2 cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á) tại phiên xử.
Theo cáo trạng, Vũ "nhôm" đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt 12,73% cổ phần của ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại cho đơn vị này 200 tỷ đồng.
Cụ thể, hồi năm 2013, ngân hàng Đông Á hoạt động sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Trần Phương Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn tài chính.
Do đó, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á thống nhất bán cho Vũ "nhôm" 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, ông Vũ trở thành cổ đông lớn nhất có quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng Đông Á.
Để mua lại số cổ phần nói trên, Vũ "nhôm" thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của chính ngân hàng Đông Á. Đối với 200 tỷ còn lại, Vũ phải ký chứng từ nộp khống cho ngân hàng Đông Á.
Ông Bình sau đó chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi khống, chuyển tiền vào tài khoản của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.
Sau đó, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ thất bại đã chuyển trả cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khoản tiền 600 tỷ đồng và lãi phát sinh. Cáo trạng thể hiện ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng, như vậy ngân hàng Đông Á bị thiệt hại hơn 200 tỷ.
Người lao động