Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Hai điều kiện để tham gia đầu tư tiền ảo là “tham” và “nhẹ dạ”
Việc khiếu kiện và đòi bồi thường đối với những rủi ro khi đầu tư tiền ảo là vô cùng khó khăn trong bối cảnh pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, người chơi không vì thế mà chùn chân…
Tiền số hay thường được biết đến dưới tên gọi "tiền ảo" đã thu hút được một lượng lớn người Việt Nam quan tâm và đầu tư trong thời gian qua. Với mức độ tăng giá lên tới 10 lần của Bitcoin trong năm 2017, không ít nhà đầu tư đã chớp được cơ hội kiếm tiền nhanh chóng.
Tuy nhiên, rủi ro từ những hoạt động này là không lường trước được. 15.000 tỷ đồng là số tiền được cho là thiệt hại của 32.000 nhà đầu tư trong dự án iFan là con số biết nói.
Thực tế, rất nhiều người đang đầu tư vào Bitcoin và những loại tiền ảo khác vẫn chưa biết cách tự bảo vệ mình hoặc kiểm soát rủi ro trước những cạm bẫy từ hình thức đầu tư tài chính rất dễ bị biến tướng này. Và nếu xảy ra sự cố, những người này có được pháp luật bảo vệ?
Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ông Lập nguyên là Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch InvestConsult Group.
Tiền ảo như Bitcoin, Ethereum… không có hình dạng, lên xuống không thể xác định được quy luật và không có luật pháp bảo vệ, nhưng các nhà đầu tư vẫn lao vào như thiêu thân. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Với tư cách luật sư, theo tôi, dù chưa có một khung pháp lý chuyên biệt cho tiền ảo như một loại tài sản đặc biệt nhưng không có nghĩa là những người tham gia không được pháp luật bảo vệ. Có 3 khung pháp luật cần lưu ý: Luật Dân sự, Hành chính và Hình sự. Tức là có cơ sở căn cứ bảo vệ chứ không phải không có.
Tính rủi ro vẫn cao mà nhà đầu tư vẫn lao vào là vì động cơ lợi nhuận. Nơi nào rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao. Do đó, tôi không thấy ngạc nhiên khi nhiều người vẫn bất chấp đầu tư trong điều kiện khung pháp lý dù có nhưng chưa rõ ràng.
Với khung pháp lý như ông nói, vậy các nhà đầu tư vào tiền số nếu gặp rủi ro sẽ có cơ hội đòi lại công bằng?
Trước tiên, phải nói làn sóng người dân tham gia đầu tư tiền ảo ở Việt Nam là không bình thường, khá nguy hiểm do đa số người đầu tư bỏ tiền thật nhưng hiểu biết thật về giao dịch này còn hạn chế. Do đó, họ bị lạm dụng, rủi ro mất tiền nhưng không thu được kết quả mong muốn. Họ cũng gặp khó khăn trong vấn đề pháp lý để khởi kiện cũng như được bồi thường. Theo tôi, có thể có hai trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, anh ngay tình nhưng bị lạm dụng, lừa dối. Tuy nhiên, anh không có đủ bằng chứng để chứng minh điều này.
Thứ hai, anh là đồng phạm, biết rõ vi phạm nhưng vẫn tham gia vào. Vụ việc gần đây đang được cơ quan chức năng xem xét khởi tố được cho là gây thiệt hại lên đến 15.000 tỷ, là loại hình đầu tư tài chính đa cấp bị cấm (khác với kinh doanh bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép). Việc bỏ tiền đầu tư này khiến nhà đầu tư vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Do đó, việc khiếu nại trở nên khó khăn.
Hành vi huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo của công ty Modern Tech trong dự án iFan có vi phạm pháp luật hay không? Nếu khởi tố thì nó thuộc về hành vi nào? Cơ sở nào để xác định trách nhiệm pháp lý?
Ở góc độ luật sư, tôi không thể đưa ra kết luận là vụ việc trên có vi phạm pháp luật hay không và vi phạm pháp luật nào. Chức năng này thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, về lý thuyết, có thể phỏng đoán một số khả năng.
Thứ nhất về vi phạm hành chính, tức chúng ta xem xét hoạt động kinh doanh của đơn vị này có hợp pháp hay không. Giấy phép kinh doanh của họ có đăng ký về lĩnh vực này không, có được cơ quan chức năng cho phép hoạt động hay không.
Thứ hai về vi phạm dân sự, nghĩa là xem xét trong hoạt động kêu gọi đầu tư, những cam kết, thoả thuận của công ty này có bội tín với nhà đầu tư hay không, có được thực hiện đúng như những gì đã hứa.
Thứ ba về vi phạm hình sự, nếu quy mô nạn nhân lớn, hành vi được xác định gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về các bước tiến hành, nạn nhân có thể khiếu nại lên cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở kế hoạch đầu tư) để kiểm tra hành chính việc kinh doanh của công ty. Bước tiếp theo, nạn nhân có thể hoặc tố giác với cơ quan pháp luật (công an) để điều tra hoặc kiện lên toà án đòi bồi thường dân sự. Cơ quan công an sau khi điều tra nếu thấy vụ việc có quy mô lớn, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội có thể tiến hành khởi tố hình sự.
Bên cạnh đó, không ít người Việt Nam đang giao dịch tiền số với mong muốn kiếm lời. Các sàn giao dịch không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn nằm cả ở nước ngoài. Rủi ro với những đối tượng này là gì?
Trong kinh tế số hoá, mạng hoá toàn cầu, chuyện đầu tư ra nước ngoài là điều bình thường. Tuy nhiên, rủi ro là điều không tránh được. Nếu đối tác tiếp nhận tiền ở nước ngoài không trung thực, không giữ đúng cam kết, buộc nhà đầu tư phải khiếu kiện. Pháp luật ở nước ngoài vẫn sẽ bảo vệ nhà đầu tư Việt Nam, nếu tuân thủ đúng luật nước họ. Dù vậy, nhà đầu tư Việt buộc phải tiến hành thủ tục khởi kiện ở nước ngoài, theo pháp luật nước ngoài và sử dụng luật sư nước ngoài.
Nghĩa là rủi ro không phải là không được pháp luật bảo vệ mà là quy trình bảo vệ khó khăn, tốn kém hơn.
Một lưu ý khác là không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu biết luật nước ngoài, dẫn đến việc vô tình vi phạm pháp luật. Trong trường hơp đó, nhà đầu tư Việt sẽ không được pháp luật nước ngoài bảo vệ.
Đâu là những điểm rủi ro nhất khi đầu tư vào tiền số? Hiện trên thế giới có bao nhiêu quốc gia chính phủ chấp nhận chính thức loại tiền này trong giao dịch?
Theo thông tin của tôi, có hơn 70 quốc gia không coi tiền ảo là bất hợp pháp. Tức họ không cấm người dân đầu tư, sử dụng như tài sản hoặc phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, chỉ một số ít các quốc gia coi tiền ảo là đồng tiền hợp pháp.
Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Tức không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng cũng không có thái độ cấm tuyệt đối tiền ảo.
Điểm rủi ro nhất trong việc đầu tư tiền ảo là giá trị đồng tiền lên xuống rất thất thường do nó chưa được thừa nhận một cách hợp pháp dẫn đến nó không có một thước đo tham chiếu (ví dụ như vàng, đôla) và không được chính phủ hay ngân hàng trung ương bảo hộ. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, ít nhiều bị lạm dụng khi tiền ảo bị nguỵ tạo giá trị một cách bất hợp lý.
Việc không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán ở Việt Nam có hợp lý?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán theo tôi là hợp lý vì có một số lý do sau.
Thứ nhất nó tác động lên chủ quyền tiền tệ của Nhà nước. Tiền ảo do tư nhân phát hành sẽ gây nên nhiều khó khăn trong việc điều tiết các chính sách vĩ mô về tiền tệ.
Thứ hai, trong bối cảnh người dân vẫn chưa có sự hiểu biết, nhận thức tốt về tiền ảo, việc coi đây là phương tiện thanh toán khiến họ dễ bị lạm dụng, lừa đảo.
Thứ ba, nếu thừa nhận tiền ảo là đồng tiền hợp pháp sẽ dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước liên quan đến xác định giá trị (tài sản, giá trị DN), dự trữ và thanh toán.
Thứ tư, hiện chưa có khung khổ pháp lý song phương, đa phương với các quốc gia về xử lý các vấn đề thanh toán, đầu tư qua biên giới hay bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với tiền ảo ở phạm vi quốc tế.
Lời khuyên cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam đối với tiền số như thế nào trong bối cảnh chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn?
Theo tôi, chúng ta đang sống trong thời kỳ mới về kinh tế số, tiền ảo là một sản phẩm của nền kinh tế này. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự hiểu biết hạn chế, khung pháp lý chưa rõ ràng, lời khuyên của tôi là hãy nghiên cứu thật nghiêm túc về tiền ảo và có thể bắt đầu đầu tư một cách có chọn lọc, có giới hạn. Qua đó, vừa có hiểu biết, vừa có kinh nghiệm về hình thức đầu tư mới này.
Tôi lưu ý là chưa nên sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán dưới bất cứ hình thức nào, vì nó chưa hợp pháp ở Việt Nam.
Tiền kỹ thuật số này có sử dụng công nghệ mới là blockchain, thế giới lại đang chuyển mình qua công nghệ 4.0. Vậy theo ông trong thời gian tới tiền kỹ thuật số nói chung có thể thành 1 tài sản được không?
Bây giờ nó đã là một loại tài sản rồi. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đề án nghiên cứu cụ thể để ban hành khung pháp lý liên quan đến tài sản ảo và tiền ảo, dự kiến sẽ có văn bản trong năm nay.
Thời gian qua, Nhà nước đã ra chỉ thị cấm giao dịch, mua bán tiền ảo thông qua hệ thống ngân hàng, theo ông điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nào đầu tư tiền ảo hiện nay?
Tôi không cho rằng việc cấm này sẽ ảnh hưởng đến các cá nhân tham gia đầu tư tiền ảo. Bởi bản chất của các giao dịch này là không cần thông qua đơn vị trung gian tài chính như ngân hàng.
Điều cơ quan nhà nước nên làm, theo tôi là cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân để họ nâng cao sự thận trọng, cảnh giác trong giao dịch tiền ảo. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị khung khổ pháp lý về loại hình này nhằm sẵn sàng bảo vệ người dân khi họ trở thành nạn nhân của đầu tư, thanh toán bằng đồng tiền này.
Theo ông có nên cấm tiền số hay không?
Tôi cho rằng không nên cấm và không thể cấm được. Không cấm được vì nó là những giao dịch mang tính cá nhân của người dân, các tổ chức thông qua kết nối mạng chứ không phải các tổ chức trung gian về tài chính nên rất khó hoặc không thể cấm được.
Ông có tham gia đầu tư tiền ảo hay không?
Cần có 2 điều kiện để tham gia đầu tư tiền ảo là tham và nhẹ dạ, mà tôi thì thiếu cả hai phẩm chất đấy. Mặt khác, còn nhiều công cụ đầu tư khác và tôi chọn lựa cách khác an toàn hơn, dù ít lời.
Cảm ơn ông!