MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, do quan liêu?

Theo các chuyên gia kinh tế, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau 6 năm triển khai đã lỗi thời và đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc việc điều chỉnh, sửa đổi theo quy định cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ngoài việc xem xét điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng cần xem xét giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ khác của người nộp thuế.

Giảm trừ gia cảnh nên tăng lên 12 triệu đồng/tháng

Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 ngày 27/8, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN, Bộ Tài chính xác nhận: Luật Thuế TNCN hiện hành (hiệu lực từ 1/7/2013) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. “Sau 6 năm triển khai, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung”, bà Lan nói.

Bà Lan đưa ra thống kê cho thấy, chỉ số CPI đã vượt trên 20%, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn. Do đó, theo luật cần phải sửa đổi. Với Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh với mỗi người có thu nhập đến mức phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người. Cả 2 mức này đã quá lạc hậu, sẽ được điều chỉnh tăng. “Hiện tại, Vụ Chính sách thuế đang chủ trì báo cáo Bộ Tài chính. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội”, bà Lan thông tin thêm.

Theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Như vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/ tháng) để tính mức giảm trừ gia cảnh thì trong kỳ tính thuế tới (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, nếu căn cứ theo quy định trong luật, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh phải phù hợp với biến động của giá, nghĩa là phải được tăng thêm 20% đúng bằng CPI 6 năm qua. Khi đó mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải xem xét nâng lên chứ không thể giữ như mức 3,6 triệu đồng/tháng/người như hiện nay.

Đáng chú ý, theo Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế TNCN (tiền lương, tiền công) từ 50.000 đồng trở xuống sẽ được miễn thuế TNCN. Những trường hợp này sẽ không cần làm thủ tục quyết toán thuế.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngoài đề xuất, kiến nghị phải xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh, còn có kiến nghị sửa đổi bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương... cho phù hợp. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật thuế TNCN, trong đó có nội dung đáng chú ý là đề xuất giảm còn 5 bậc thuế thay vì 7 bậc như hiện nay.

Lỗi thời do quan liêu?

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rõ ràng cơ quan soạn thảo luật, thực thi chính sách thuế có biểu hiện “quan liêu” vì để quá chậm. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, hiện tại Bộ Tài chính đang phải sửa 6 luật thuế. Cho nên cách tính giảm trừ gia cảnh như thế nào, căn cứ vào mức lương tối thiểu, chỉ số CPI... là một bài toán khó. “Do đó, họ cũng cần rà soát, xem xét cụ thể”, vị chuyên gia chia sẻ.

Trái lại, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO còn cho biết: “Không cháy nhà, chết người, không ai đốc thúc, không ai ép buộc thì họ cứ lơ đi. Hơn nữa, cứ để luật thế lại tăng nguồn thu ngân sách cho bộ, nhà nước. Chỉ khi nào báo chí, nhân dân lên tiếng mạnh mẽ, lên tới Chính phủ, Quốc hội ý kiến mới có điều chỉnh”.

Theo luật sư Đức, điều cần làm, trước hết là cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện  đúng luật!

Trước ý kiến có cần phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không? Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đầu tiên Chính phủ phải kiểm soát lạm phát, sau đó mới xem xét có điều chỉnh hay không. Bởi theo luật sư, việc điều chỉnh này liên quan tới tổng thể chính sách thuế. Bên cạnh giảm trừ gia cảnh cũng cần xem xét, khấu trừ các chi phí hợp lệ khác của người dân như khám chữa bệnh, giáo dục, làm từ thiện, mua bán nhà đất,...có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Nếu không giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ thì mới cần thiết xem xét mức giảm trừ gia cảnh.

“Ngành Thuế cập nhật thông tin rất nhanh chóng. Thậm chí một số khoản họ thu sai. Chẳng hạn, ông A vừa mua căn nhà trên giấy đã bị thu thuế, trong khi luật quy định nếu ông A có 1 nhà duy nhất thể hiện trên sổ đỏ mới phải đóng thuế TNCN, việc ông mua căn nhà khác để đầu tư không phải đóng thêm thuế này”, vị luật sư dẫn chứng.

Luật thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, do quan liêu?  - Ảnh 1.

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.168.100 tỷ đồng, bằng 101,8% so với ước thực hiện năm 2018. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2019, tổng thu NSNN từ đầu năm đến 15/7 ước đạt 777.700 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm. Trong đó, nguồn thu thuế TNCN lên tới 62.600 tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán. Nếu tính riêng về thuế TNCN, nguồn thu này tăng đều và ngày càng trở thành nguồn thu lớn, quan trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã giảm, mức thuế TNCN cũng nên giảm theo.

Mức thuế TNCN tính lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. Thuế TNDN trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%. Trong khi đó thuế TNCN từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%.

Theo ​Tuấn Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên