Lương giảm vì dịch bệnh, vợ chồng “liêu xiêu” lo khoản vay mua nhà trả góp
Vì dịch bệnh, công ty không làm ăn được nên giảm lương... Trước đây thu nhập của 2 vợ chồng từ 30-40 triệu đồng/tháng thì nay giảm xuống chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng khiến vợ chồng chị T. lâm cảnh khó khăn với khoản vay mua nhà trả góp.
- 16-03-2020Thị trường địa ốc Tp.HCM khan hiếm nguồn cung, người mua nhà “ngóng” dự án mới
- 12-03-2020Nên vay tiền mua nhà hay là thuê nhà và để tiền đầu tư? (P.12)
- 09-03-2020Hai điểm "tử huyệt" của căn hộ 25m2 cả doanh nghiệp BĐS và người mua nhà cần đặc biệt chú ý
Theo tìm hiểu của PV, chị T. là kế toán của đơn vị kinh doanh dịch vụ khách sạn, còn chồng chị làm bên nội thất. Bình thường, thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 30-40 triệu đồng.
Thế nhưng, do dịch bệnh kéo dài khiến công ty không làm ăn được, thu nhập của cả hai vợ chồng đều bị giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Các cá nhân làm trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, khách sạn, giáo viên... có vay mua nhà đang gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng. |
Cả tháng nay, vợ chồng chị T. mất ăn mất ngủ, đau đầu nghĩ về khoản vay mua nhà phải trả ngân hàng mỗi tháng. Với việc vay ngân hàng 700 triệu đồng để mua một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), vợ chồng chị T. phải trả cả gốc và lãi hơn 10 triệu đồng hàng tháng.
“Trước đây, thu nhập cả hai vợ chồng ổn định mức 30-40 triệu đồng/tháng nên cố mua căn nhà để ổn định cuộc sống. Giờ dịch bệnh, đùng một cái công ty không làm ăn được nên hạ lương nhân viên xuống mức 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập hai vợ chồng giờ chỉ còn 10 triệu đồng/tháng khiến vợ chồng tôi thực sự lo lắng, lấy tiền đâu để trả nợ cả lãi và gốc cho ngân hàng hàng tháng, cộng với việc vợ chồng tôi còn phải nuôi 3 con nhỏ”, chị T. lo lắng.
Chị T. cho rằng, những hộ gia đình vay mua nhà trả góp như gia đình chị, nhất là khi vợ chồng làm đúng những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh thì cũng khổ trăm bề chẳng khác gì các doanh nghiệp. Vì thế, chị T. rất mong chờ ngân hàng sẽ có chính sách giãn nợ và hạ lãi suất cho những người vay mua nhà gặp hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị.
Trên thực tế, có khá nhiều cá nhân vay vốn để mua nhà cũng đang gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu nhập để trả nợ hàng tháng cho ngân hàng.
Như trường hợp cô giáo H. ở Hoàng Mai (Hà Nội). Cô H. cũng đã vay ngân hàng để mua nhà trả góp trong vòng 15 năm.
Mỗi tháng, vợ chồng cô giáo H. phải trả ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Trong khi nguồn thu để trả nợ và chi tiêu đều phải phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng. Nhưng từ sau Tết đến nay, các trường học trong đó có trường mầm non tư thục nơi chị H. làm việc cũng phải dừng lại theo lịch nghỉ chung của Thành phố.
Giờ trông vào mỗi thu nhập của chồng chị thì không thể đủ để trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng, cộng với chi tiêu sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng và 1 con nhỏ. Chị H. cũng lo lắng, tình hình này kéo dài sẽ không biết xoay sở ra sao, nếu không xoay được thì đành phải bán nhà.
Có ý kiến cho rằng ngoài hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, các cá nhân làm trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như kinh doanh, du lịch, khách sạn, giáo viên... có vay mua nhà và gặp khó do dịch bệnh cũng nên có chính sách hỗ trợ họ.
Infonet