MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương quản lý ngành tài chính, đầu tư tới hơn 70 triệu đồng/tháng

18-03-2019 - 15:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngành tài chính/đầu tư là ngành nghề có khoảng lương phổ biến cao nhất, cao hơn cả những người làm ngân hàng và công nghệ thông tin.

VietnamWorks vừa công bố "Khảo sát lương của người tìm việc năm 2019 tại Việt Nam". Khảo sát được thống kê dựa trên ý kiến của gần 5.500 người tìm việc vào tháng 1/2019, thuộc cơ sở dữ liệu của VietnamWorks, người tìm việc thuộc bất kể ngành nghề và cấp bậc.

Theo thống kê được Thời báo ngân hàng dẫn lại, top 5 các ngành nghề được có khoảng lương phổ biến cao nhất lần lượt là: Ngành Tài chính/Đầu tư; Ngân hàng; Công nghệ thông tin; Marketing; Xây dựng.

Trong lĩnh vực Tài chính/Đầu tư, có 25% người thuộc vị trí Quản lý/Trưởng phòng đang nhận được mức lương từ mốc 70.000.000 đồng trở lên. Mức lương tối thiểu phổ biến nhất của ngành này cho các vị trí lần lượt là: Mới ra trường: 5.000.000 đồng; Có kinh nghiệm: 7.175.000 đồng; Trưởng nhóm/Giám sát: 12.500.000 đồng; Quản lý/Trưởng phòng: 25.000.000 đồng.

"Mức lương khoảng giữa" mà nhóm này được nhận cho các vị trí lần lượt là: Sinh viên mới ra trường: 6.000.000 đồng; Nhân viên có kinh nghiệm: 11.250.000 đồng; Trưởng nhóm/Giám sát: 16.000.000 đồng; Quản lý/Trưởng phòng: 35.000.000 đồng.

Lương quản lý ngành tài chính, đầu tư tới hơn 70 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

So với các ngành nghề khác, ngành Xây dựng có mức lương dành cho sinh viên mới ra trường cao hơn. "Mức lương khoảng giữa" mà sinh viên mới ra trường thuộc ngành Xây dựng đang nhận được là khoảng 7.500.000 đồng. 

Trong khi đó, các ứng viên có kinh nghiệm được trả lương cao nhất thuộc về ngành Công nghệ thông tin. Theo đó, "mức lương khoảng giữa" dành cho ứng viên có kinh nghiệm vào khoảng 15.600.000 đồng, có 25% nhóm ứng viên thuộc cấp bậc này đang nhận 20.000.000 đồng là mốc lương tối đa phổ biến.

Nhóm ngành nghề có mức lương tối đa thấp nhất lần lượt là: Hành chính/Thư ký; Cơ khí; Dịch vụ khách hàng; Kế toán; Bán hàng. Riêng ngành Hành chính/Thư ký, "mức lương khoảng giữa" cho vị trí có kinh nghiệm là 8.000.000, vị trí Quản lý/Giám sát có mức lương vào khoảng 15.000.000 đồng. Mốc lương tối đa phổ biến nhất được ghi nhận của ngành này chỉ vào khoảng 20.000.000 đồng.

Theo thống kê, khu vực TP. Hồ Chí Minh là nơi các ứng viên đang giữ mức lương cao hơn các thành phố khác ở hầu hết các vị trí. Theo đó, "mức lương khoảng giữa" cho vị trí có kinh nghiệm là 10.000.000 đồng, vị trí Quản lý/Trưởng phòng giữ "mức lương khoảng giữa" là 25.000.000 đồng. Mốc lương tối đa phổ biến nhất được ghi nhận là 36.500.000 đồng.

Hà Nội giữ mức lương cao thứ hai trên toàn quốc, với "mức lương khoảng giữa" cho vị trí có kinh nghiệm là 10.000.000 đồng, "mức lương khoảng giữa" cho vị trí Quản lý/Trưởng phòng là khoảng 22.000.000 VND. Mốc lương tối đa phổ biến được ghi nhận tại Hà Nội là 30.000.000 đồng.

Hầu hết ứng viên dù ở cấp bậc công việc nào cũng mong muốn tìm hiểu thông tin về lương. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 các công việc hiện nay thể hiện rõ về mức lương, trong khi 2/3 các công việc còn lại có thể sẽ cung cấp đầy đủ cho ứng viên trong các vòng ứng tuyển tiếp theo.

Khi không tìm thấy mức lương trong tin đăng tuyển, khoảng 70% ứng viên vẫn có hành vi tiếp tục ứng tuyển. Tuy nhiên điều này cũng hàm ý sẽ có khoảng 1/3 số ứng viên tiềm năng có thể sẽ không ứng tuyển cho vòng tuyển dụng tiếp theo.

Khảo sát cũng cho thấy, nếu mức lương không đáp ứng được sự mong đợi thì có đến gần 80% nhân viên sẽ có một vài phản ứng nhất định. Trong đó, 46% sẽ quyết định kiến nghị cấp trên tăng lương; gần 26% quyết định sẽ đổi việc. Tuy nhiên, khi được hỏi về lần tăng lương gần đây nhất thì có đến gần 50% nhân viên cho biết vẫn chưa được tăng lương trong vòng 6 tháng qua.

PV (tổng hợp)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên