Lương tối thiểu vừa tăng đã lạc hậu
Hiện mức tăng lương tối thiểu trong năm 2018 sẽ khó có thể cao hơn so với năm 2017.
- 24-12-2016Lương tối thiểu khó xóa đói giảm nghèo
- 23-12-2016Định nghĩa lại lương tối thiểu
- 21-12-2016Đề xuất định nghĩa lại mức lương tối thiểu: Nên hay không?
Theo các chuyên gia, trước bối cảnh kinh tế hiện nay, mức tăng lương tối thiểu trong năm 2018 sẽ khó có thể cao hơn so với năm 2017.
Từ ngày 1/1, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 180 - 250 nghìn đồng, cao nhất là vùng I với 3,75 triệu đồng/tháng và thấp nhất là vùng IV với 2,58 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ngay cả với mức tăng này, lương tối thiểu hiện mới đáp ứng được 80% mức sống tối thiểu của người lao động.
Qua tìm hiểu, ngay cả với mức lương tăng, cuộc sống người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Vũ Thị Hiên, công nhân Công ty TNHH Nissei Electric (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết: “Thêm được 250 nghìn đồng lương cơ bản với tôi không khác biệt là mấy, mua cho con bộ quần áo hay hộp sữa là hết. Hiện, tôi đang nuôi con nhỏ nên không làm thêm giờ được, lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng”. Cũng theo chị Hiên, tổng thu nhập của hai vợ chồng hiện nay chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng. “Tính ra thì tiền ăn, tiền thuê trọ cũng mất 2 triệu, đứa lớn đi học 1,2 triệu/tháng. Hai vợ chồng tôi chẳng tích góp được gì vì thi thoảng con ốm lại nghỉ làm mà nghỉ làm vừa mất tiền thuốc, vừa bị công ty trừ thưởng chuyên cần”, chị Hiên cho hay.
Ngay cạnh phòng trọ của chị Hiên, chị Phạm Thị Thuận, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cũng trong cảnh con nhỏ chưa thể gửi đi lớp.“Ông bà ở quê già yếu nên tạm thời phải để chồng nghỉ việc trông con. Một mình tôi nuôi ba người mà lương cũng chỉ tầm 6 triệu đồng/tháng. Phải làm thêm khoảng 90 tiếng/tháng mới lên được 8 triệu đồng. Thời gian tới, gửi bé đi nhà trẻ mất khoảng 2 triệu/tháng để chồng đi tìm việc nhưng đang khó khăn quá vì anh ấy mới tốt nghiệp cấp II trong khi đa phần các công ty đều yêu cầu tốt nghiệp cấp III”, chị Thuận chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và thi đua khen thưởng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: “Tính tới thời điểm hiện tại, mốc thời gian quy định tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động vẫn còn đang nghiên cứu, chưa được ấn định cụ thể. Chính vì thế, qua rất nhiều lần tăng lương tối thiểu, song đời sống của người lao động thực tế vẫn còn khó khăn”.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 nếu giữ được bằng với mức tăng năm 2017 (tăng khoảng 7,3%) cũng đã là một thành công. “Khảo sát bước đầu tại một số ngành cho thấy, mức tăng lương năm 2017 ở mức 7,3% là có thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp ngành Da giày có thể chấp nhận được mức tăng là 10%, riêng các doanh nghiệp dệt may thì ý kiến mức tăng đang quá khả năng chịu đựng của họ, nhưng Chính phủ đã quyết thì họ vẫn phải thực hiện”, ông Huân thông tin.
Nếu tính theo tỷ lệ tăng thì rõ ràng mức tăng lương tối thiểu vùng đang ngày một giảm dần. Cụ thể, mức tăng năm 2016 là 12,4%, trước đó năm 2015 tỷ lệ này là 14,3%. “Phải khẳng định rằng, tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng về mặt tương đối tính theo % thì có giảm, nhưng số tiền theo giá trị tuyệt đối mà người lao động nhận được thì vẫn tăng. Sở dĩ những năm đầu khi có Nghị định tăng lương tối thiểu vùng (năm 2014), mức tăng lương tối thiểu vùng cao là bởi giai đoạn này mức lương tối thiểu vùng của chúng ta còn thấp, chưa tiệm cận được với mức sống tối thiểu. Giờ đây, khi khoảng cách này đã được xích lại thì mức tăng cũng sẽ được điều chỉnh”, ông Huân nhận định.
Báo Giao thông