Lương tối thiểu vùng năm 2019: Cần xác định cơ cấu lương thực - phi lương thực phù hợp hơn
Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) diễn ra vừa qua, trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019 là 8% (từ 220.000 - 330.000 đồng theo từng vùng), đại diện giới sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng; còn Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG đưa ra các phương án:
- 15-07-2018Việt Nam có tốc độ tăng lương bình quân “top đầu” khu vực
- 11-07-2018Không nên tăng lương tối thiểu: Đề xuất vô cảm của VCCI!
- 10-07-2018Nhân viên đường sắt bao giờ được tăng lương?
Tăng 6,1% (từ 180.000 - 230.000 đồng theo từng vùng) và 5,2% (từ 130.000 - 190.000 đồng). Về sự khác biệt giữa các bên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - cho biết:
Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và mức lương đó phải bảo đảm thỏa mãn nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. LTT là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.
Cũng như các năm trước đây, khi xem xét để đề xuất mức tiền LTT, các bên đều phải căn cứ vào: Nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Tuy nhiên, năm nay HĐTLQG nhóm họp để xác định đề xuất tiền LTT năm 2019 trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN. Nghị quyết chỉ rõ: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”. Như vậy, lộ trình để LTT đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định.
Thưa ông, tại sao có cùng một lộ trình kết thúc vào năm 2020 nhưng đề xuất mức tăng LTT năm 2019 của các bên lại có sự chênh lệch như vậy?
- Việc VCCI đề xuất không tăng tiền LTT vùng năm 2019 là không có cơ sở, vì vậy ở đây tôi xin được trao đổi về sự chênh lệch giữa đề xuất của Tổng LĐLĐVN với con số tham vấn của Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG. Trong bối cảnh lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” là vấn đề hết sức quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức LTT vùng năm 2019. Do số liệu tính toán mức sống tối thiểu của Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG thấp hơn khá nhiều so với tính toán của Tổng LĐLĐVN (khoảng gần 230.000 đồng) nên dẫn đến có sự chênh lệch về đề xuất như vậy (8% và 6,1%).
Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt trong cách tính nhu cầu sống tối thiểu giữa Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG và của Tổng LĐLĐVN?
- Tổng LĐLĐVN và Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của NLĐ bao gồm nhu cầu lương thực, thực phẩm (bảo đảm dinh dưỡng 2.300 kCal/ngày/người); nhu cầu phi lương thực, thực phẩm (như giáo dục, y tế, văn hóa, năng lượng, chất đốt, đi lại) và nhu cầu nuôi con (bằng 70% nhu cầu tối thiểu của NLĐ). Sự khác biệt về mức sống tối thiểu do hai bên tính toán chủ yếu do sự lựa chọn khác nhau về tỉ lệ giữa chi phí lương thực, thực phẩm với chi phí phi lương thực, thực phẩm. Theo đó, Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52%); còn Tổng LĐLĐVN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).
Việc đề xuất lựa chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chỉếm 45% trong tính toán nhu cầu sống tối thiểu liệu có cơ sở không, thưa ông?
- Việc đề xuất lựa chọn cơ cấu chi phí lương thực, thực phẩm như vậy là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Chúng ta biết rằng, kinh tế - xã hội càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì tỉ trọng chi phí về lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung, của NLĐ nói riêng sẽ ngày càng giảm so với chi phí để đáp ứng nhu cầu về văn hóa, xã hội (nhu cầu phi lương thực, thực phẩm). Ví dụ, tỉ trọng chi cho tiêu dùng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống của nước ta đã giảm dần từ 60,86% năm 1995 xuống 47,9% năm 2000 và 42,85% năm 2005 (Báo Nhân Dân ngày 17.9.2010). Điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) năm 2016 ở 10 nhóm dân cư cho thấy, tỉ lệ chi phí lương thực thực phẩm chiếm từ 39% đến 61%, Tổng LĐLĐVN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm 45%, phi lương thực, thực phẩm 55% là hợp lý.
Thưa ông, như vậy việc xác định “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” là rất quan trọng, xung quanh vấn đề này ông còn có ý kiến gì không?
- Mức sống tối thiểu của NLĐ do Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính họ đưa ra năm ngoái (2017). Nguyên do là họ xác định “rổ hàng hóa” tiêu dùng thiết yếu theo giá năm 2016 với giá trị 660.000 đồng/tháng, thấp hơn giá năm 2014 (724.000 đồng), trong lúc CPI từ 2014 đến nay tăng trên 10%. Đó là điều chúng tôi hết sức băn khoăn. Đã nhiều năm qua, vấn đề xác định mức sống tối thiểu của NLĐ luôn có sự khác nhau giữa các cơ quan khác nhau. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có một cơ quan chức năng với các tiêu chí cụ thể, khoa học để xác định mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW: “Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu”.
Xin cảm ơn ông!
Lao động