MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lướt sóng vàng, nhà đầu tư lỗ nặng?

23-03-2023 - 08:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Lướt sóng vàng, nhà đầu tư lỗ nặng?

Sự đổ vỡ của ngân hàng Mỹ đã khiến thị trường vàng trải qua tuần giao dịch "dậy sóng". Giá vàng thế giới tăng vọt gần 2.000 USD/ounce, kéo theo vàng miếng SJC trong nước lên gần 68 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng tăng vọt lên gần 57 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt, nhà đầu tư lướt sóng trước nguy cơ lỗ nặng.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính
43 bài viết

Sau khi có thông tin về vụ đổ vỡ ngân hàng Mỹ, ngày 18/3, giá vàng thế giới tăng trên 70 USD/ounce, sát mốc 2.000 USD/ounce và là mức cao nhất trong gần 1 năm qua. Cùng với đà tăng của vàng thế giới, vàng trong nước lập tức tăng cả triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng miếng SJC lên 67,7 triệu đồng/lượng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay. Cùng với đó, giá vàng nhẫn tròn trơn gần 56 triệu đồng/lượng, tăng gần 2 triệu đồng/ lượng.

Dù giá vàng bất ngờ tăng mạnh nhưng khảo sát của Tiền Phong tại phố vàng tại Hà Nội như Trần Nhân Tông, số lượng người mua chỉ tương đương ngày thường, không có cảnh xếp hàng mua bán vàng. Điều này xuất phát từ việc nửa cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng và giữ ở mức cao đã thu hút nhiều người dân có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm. Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra cao khiến người dân ít mặn mà với đầu tư vàng.

Lướt sóng vàng, nhà đầu tư lỗ nặng? - Ảnh 1.

Lướt sóng vàng người dân có nguy cơ lỗ nặng Ảnh: Như Ý

Cơn sốt giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt. Gần 1 tuần sau, ngày 22/3, giá vàng liên tiếp giảm. Giá vàng miếng SJC về mốc 67,3 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn 55,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra duy trì mức 1 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu “lướt sóng” vàng trong tuần vừa qua, người nắm giữ vàng lỗ 4-5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới ngày 22/3 giảm về mức 1.939 USD/ounce, tương đương 55,1 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí) và thấp hơn giá vàng trong nước gần 13 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, mỗi khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước lập tức tăng phi mã. Trong bối cảnh, sự đổ vỡ của ngân hàng Mỹ khiến tâm lý nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn.

“Nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để "lướt sóng" lúc này bởi lẽ hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì trên 10 triệu đồng/lượng. Nếu đầu tư vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều”, ông Thịnh cho biết.

Ông Thịnh khuyến cáo, người dân chỉ nên mua vàng với số lượng ít khi thực sự cần thiết. Hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để đầu tư dài hạn giá vàng. Cùng với đó, cơn sốt giá vàng trong nước ăn theo thị trường thế giới nhưng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt bởi nhu cầu trong nước và tình hình không có gì biến động.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Sự chênh lệch này do thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau. Cùng với đó, việc nhiều năm không nhập khẩu vàng khiến nhu cầu vàng nên thiếu nguồn cung vàng miếng SJC. Cùng với đó, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi nguồn cung không đủ.

“Doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua. Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng. Vì vậy, hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để đầu tư vàng. Chỉ khi nào khoảng cách chênh lệch hạ xuống mức hợp lý, người dân mới nên đầu tư vàng”, ông Hiếu cho biết.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên