MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do đáng ngại khiến Anh đột ngột quay trở lại vị trí nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, cảnh báo thảm họa có thể tới vào mùa đông

20-10-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Lý do đáng ngại khiến Anh đột ngột quay trở lại vị trí nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, cảnh báo thảm họa có thể tới vào mùa đông

Anh vẫn được coi là "tiền trạm" để các nước khác nhìn vào và dự đoán dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào trong giai đoạn tiếp theo.

Năm ngoái, khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu, Anh là nước có mức độ dịch nghiêm trọng nhất với số ca nhiễm và ca tử vong cao nhất ở châu Âu. Tuy nhiên chiến dịch tiêm vaccine được triển khai nhanh chóng đã giúp Anh lật ngược tình thế và đưa số ca nhiễm xuống mức có thể kiểm soát được.

Thế nhưng giờ đây tình hình dịch bệnh ở Anh lại đang nghiêm trọng trở lại. Nước này ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, một lần nữa trở thành một trong những nước có ca nhiễm mới cao nhất thế giới.

Hôm 18/10, số ca nhiễm là 49.156 ca, cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Tổng cộng Anh đã ghi nhận hơn 8,4 triệu ca nhiễm. Tổng số ca tử vong là hơn 138.000 – thuộc hàng cao nhất thế giới.

Số ca nhập viện và tử vong ở Anh vẫn tăng lên đều đặn từ mùa hè, khi nước này bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế từ ngày 19/7. Các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại. Đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc. Tuy nhiên so với năm ngoái thì tình hình đã được cải thiện rất nhiều do vaccine giúp ngăn bệnh trở nặng, giảm số ca nhập viện và tử vong.

Dẫu vậy, các chuyên gia y tế của Anh đang cảnh báo "xứ sở sương mù" có thể sẽ phải đối mặt với 1 mùa đông khắc nghiệt ở phía trước.

Điều gì đang diễn ra?

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến số ca nhiễm ở Anh tăng nhanh trở lại, từ việc người dân không tự nguyện đeo khẩu trang đến tụ tập đông người trong không gian kín. Những hành động này khiến virus phát tán rất nhanh.

Ngoài ra Anh còn lưỡng lự trong việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ, trong khi các nước khác ở châu Âu và Mỹ đã thực hiện tiêm cho trẻ em sớm hơn nhiều. Do đó khi học sinh quay trở lại trường học vào tháng 9, số ca nhiễm tăng vọt dù tỷ lệ nhiễm trong nhóm 0-18 tuổi đã bắt đầu giảm xuống.

Và có 1 lý do quan trọng: vì Anh triển khai tiêm vaccine sớm – từ tháng 12/2020 và là một trong những nước đầu tiên trên thế giới, giờ đây hiệu lực của vaccine giảm và khiến số ca tăng lên nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng hiệu quả của vaccine bị suy giảm đáng kể, đặc biệt là sau khi biến chủng Delta lây lan mạnh trong mùa xuân và mùa hè vừa qua.

Dr. Eric Topol, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Scripps Research Translational Institute, nhận định trên Twitter rằng có 2 lý do khiến Anh hiện có tỷ lệ nhập viện cao gấp 6 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với mức trung bình của châu Âu: giảm áp dụng các biện pháp phòng dịch và ít tiêm vaccine cho nhóm 12-17 tuổi. Ngoài ra Anh phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca (mà theo thời gian có hiệu quả giảm đi nhanh hơn một chút so với vaccine Pfizer) cũng có thể là 1 lý do.

Từ tháng 9, Anh cùng với Israel, Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đã quyết định tiêm mũi tăng cường cho những người trên 50 tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh nền. Những người đã tiêm mũi 2 quá 6 tháng được yêu cầu tiêm mũi bổ sung ngay. Hiện 6,5 triệu người Anh cần tiêm mũi bổ sung nhưng cơ quan y tế mới chỉ triển khai được khoảng 3,6 triệu mũi.

Theo Tim Spector, giáo sư dịch tễ tại King’s College London, hiện tỷ lệ nhiễm cao vẫn chỉ giới hạn trong nhóm người trẻ tuổi và đang lan sang nhóm 35-55 tuổi. Tuy nhiên nếu như làn sóng lây nhiễm lan sang cả nhóm trên 55 tuổi, đó sẽ là thảm họa đối với nước Anh trong mùa đông năm nay. Rõ ràng Anh vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng nhưng nguy hiểm là hầu hết mọi người vẫn tin rằng họ được an toàn nếu như đã từng mắc bệnh hoặc đã tiêm vaccine.

Mối đe dọa từ các biến thể

Thứ 6 tuần trước, Cơ quan An ninh y tế Anh công bố báo cáo ghi nhận ở Anh xuất hiện biến thể phụ của chủng Delta, có tên gọi AY.4.2 đang lây lan mạnh. Biến thể phụ này được cho là có mức độ lây lan cao hơn 10-15% so với chủng Delta gốc

Anh vẫn được coi là "tiền trạm" để các nước khác nhìn vào và dự đoán dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào trong giai đoạn tiếp theo. Nguyên nhân là do biến thể alpha được phát hiện ra đầu tiên ở Anh và sau đó xuất hiện ở khắp nơi trên toàn cầu. Kể cả biến thể delta dù xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ nhưng đã bùng lên ở Anh trước khi lây lan ra toàn thế giới.

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên