MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do giá dầu Urals của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt và nhu cầu giảm

15-07-2023 - 10:16 AM | Thị trường

Trong những ngày vừa qua, giá dầu Urals của Nga đã tăng trên mức giới hạn 60 USD/thùng do các nước G7 áp đặt, lần đầu tiên kể từ khi phương Tây áp lệnh trần giá đối với dầu thô của Nga.

Lý do giá dầu Urals của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt và nhu cầu giảm - Ảnh 1.

Trạm bơm dầu do Bộ phận Sản xuất Dầu khí Yamashneft của Tatneft vận hành, ở quận Almetyevsk của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Ảnh: Sputnik

Theo truyền thông phương Tây, các lô dầu Urals dỡ từ các cảng Baltic và Biển Đen Novorossiysk  lần lượt ở mức 62,22 USD/thùng và 63,22 USD/thùng hôm 13/7. Giá dầu tăng bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với thị trường năng lượng Nga và trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu có xu hướng giảm.

Ông Stanislav Mitrakhovich – chuyên gia tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, nhà nghiên cứu của Đại học Tài chính thuộc chính phủ Liên bang Nga – lý giải: “Điều này xảy ra do ngành công nghiệp của Nga và các đối tác đã thích nghi với hoàn cảnh mới. Họ đang học cách làm việc trong điều kiện mới, thiết lập hậu cần, trả cước vận chuyển và bảo hiểm. Với tất cả các điều kiện này, nhu cầu giảm giá lớn đã biến mất”.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (c), sản lượng dầu của Nga dự kiến duy trì ổn định. IEA lưu ý sản lượng dầu trong tháng 6 vẫn ở mức cũ - 9,45 triệu thùng/ngày - do hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước cao bù đắp lượng xuất khẩu giảm.

Chuyên gia này cũng cho hay doanh thu của Nga đã giảm phần nào so với năm 2022 – khi giá năng lượng tăng vọt – nhưng không phải do lệnh áp trần giá dầu của G7. Nguyên nhân chủ yếu là do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Mặc dù Nga đã tìm được thị trường thay thế, nhưng nước này vẫn cần thời gian để chuyển hướng dòng chảy dầu. Ông này nhấn mạnh một số nhà cung cấp phải trả phí cho các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm.

Theo ông, đó cũng là lý do tại sao giá dầu của Nga tại cảng của người nhận có thể cao hơn 60 USD/thùng do đã bao gồm chi phí vận chuyển, cước phí và dịch vụ trung gian.

“Ví dụ, nếu lấy số liệu thống kê của Ấn Độ, trong tháng qua, dầu của Nga có giá khoảng 68 USD/thùng,” ông Mitrakhovich cho hay.

Hiện tại, dầu của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Trong khi đó, trước khi xung đột Ukraine nổ ra, thị phần của Nga chỉ chiếm chưa đến 2%. Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, vượt qua cả Trung Quốc. Nhập khẩu dầu từ Nga sang Ấn Độ trong năm tài chính 2022 - 2023 tăng 14 lần từ 2,2 tỷ USD lên 31,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trần không hiệu quả?

Lý do giá dầu Urals của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt và nhu cầu giảm - Ảnh 2.

Giàn khoan dầu tại khu vực Almetyevsk, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Trước đây, G7 đã áp trần gía dầu nhằm cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Nga, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung dầu để ngăn chặn lạm phát. Song liệu biện pháp này có đạt hiệu quả không, khi lạm phát đang tiếp tục bao trùm kinh tế Mỹ và hầu hết châu Âu, còn giá dầu của Nga lại tăng cao hơn mức giới hạn do G7 đặt ra?

Ông Mitrakhovich cho rằng: “Có thể thấy biện pháp áp trần giá dầu Nga không gây ra hậu quả thảm khốc nào đối với nền kinh tế Nga. Điều này có nghĩa là tỷ lệ lạm phát và phá giá nội tệ  Nga không lớn. Chúng ta không chứng kiến tình trạng thất nghiệp tràn lan, cũng không phải áp đặt những hạn chế nghiêm trọng về công nghệ. Tình hình hiện này cho thấy các biện pháp trừng phạt Nga còn lâu mới đạt hiệu quả”.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra răng doanh thu từ dầu thô của Nga vẫn ở mức khá cao, dù đã giảm so với năm 2022. Nếu so sánh doanh thu từ dầu thô của Nga với năm 2020 hay 2021, lợi nhuận từ dầu mỏ trong năm 2022 cũng xấp xỉ mức đó.

Theo ông Mitrakhovich, nhìn chung, sự sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga hiện nay sẽ không gây ra bất kỳ tổn thất nào cho Nga. Dẫn chứng cho điều này, ông đã đề cập đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trong đại dịch COVID-19 khi nhu cầu dầu giảm trên toàn cầu, khiến giá năng lượng giảm.

“Chúng ta đã sống sót qua đại dịch COVID-19 – cả trong ngành công nghiệp dầu mỏ, ngân sách, nền kinh tế quốc gia và hệ thống chính trị. Khi so sánh với năm 2022, tất nhiên là doanh thu có giảm, nhưng các biện pháp trừng phạt còn lâu mới khiến nước Nga tan rã hay nền kinh tế sụp đổ”, ông Mitrakhovich kết luận.

Theo Hải Vân

Báo Tin tức

Trở lên trên