Lý do Michelin Guide tới Việt Nam và điểm đặc biệt trong ấn bản đầu tiên so với Thái Lan, Singapore, Malaysia
Ông Gwendal Poullennec lý giải lý do vì sao cẩm nang ẩm thực Michelin Guide quyết định đến với Việt Nam vào thời điểm này.
- 08-06-2023Những câu hỏi dành cho Michelin Guide
- 07-06-2023GĐ quốc tế của MICHELIN Guide: Yếu tố quan trọng nhất là tính nhất quán và trải nghiệm của thực khách, nếu không thể duy trì nhà hàng sẽ bị loại khỏi danh sách
- 06-06-2023Chấn động: Loạt quán ăn đường phố Việt Nam có tên trong Michelin Guide, 4 nơi đoạt sao gây nhiều bất ngờ
Mới đây, cẩm nang ẩm thực uy tín Michelin Guide đã cho ra mắt ấn bản đầu tiên của Việt Nam, với 103 nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM. So với các nước trong khu vực, mặc dù số lượng nhà hàng được gắn sao có phần khiêm tốn hơn nhưng Việt Nam lại nhỉnh hơn về số lượng nhà hàng góp mặt trong ấn bản đầu tiên.
Tính đến thời điểm này, Đông Nam Á chỉ có 4 quốc gia được Michelin Guide lựa chọn, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Là quốc gia đầu tiên góp mặt trong bản đồ sao Michelin, Thái Lan có 98 nhà hàng lọt vào danh sách ấn bản đầu tiên. Trong khi đó, Singapore có 63 nhà hàng, Malaysia có 98 nhà hàng được vinh danh trong lần đầu Michelin Guide hiện diện tại các nước này.
Việt Nam sẽ là điểm sáng
Ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide cho rằng đây là khởi đầu rất tốt đối với Michelin Guide tại Việt Nam.
"Danh sách đầu tiên của Michelin Guide tại Việt Nam là kết quả quá trình đánh giá, xem xét của chúng tôi nhưng cũng phải kể đến tiềm năng mà chúng tôi thấy được trong tương lai. Đối với một danh sách được công bố lần đầu tiên như vậy, đây sẽ là tiêu chuẩn đặt ra cho các đầu bếp. Tôi cho rằng từ đó các đầu bếp sẽ thay đổi, sáng tạo hơn, nâng cao hơn chất lượng bởi có nhiều thực khách đến ăn hơn, đòi hỏi của thực khách sẽ cao hơn".
"Tôi tin rằng Michelin Guide, cũng như những nhà hàng lọt vào danh sách này sẽ là yếu tố thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam. Có thể chỉ vài năm sau số lượng nhà hàng lọt vào danh sách Michelin Guide cũng như số nhà hàng đoạt sao Michelin sẽ là khác biệt rất lớn".
"Chúng tôi tin rằng với tiềm năng của ngành ẩm thực Việt Nam, Việt Nam sẽ là điểm sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới và tất cả những gì chúng ta có chỉ mới là khởi đầu, buổi lễ công bố chỉ là điểm bắt đầu của hành trình để Michelin Guide phát triển hơn nữa tại Việt Nam, mang đến nhiều giá trị cho Việt Nam".
Ông Gwendal Poullennec cũng lý giải lý do vì sao cẩm nang ẩm thực danh tiếng này quyết định đến với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
"Đội ngũ thẩm định của Michelin Guide đã quan sát Việt Nam trong vài năm và chúng tôi cho rằng ẩm thực Việt Nam đã đạt đến độ chín cũng như chất lượng để chúng tôi có thể đi đến quyết định công bố danh sách Michelin Guide tại Việt Nam", ông Poullennec nói.
"Đối với danh sách đầu tiên này, chúng ta có thể thấy nền ẩm thực Việt Nam với rất nhiều món ăn mang đến nhiều hương vị khác nhau. Các nhà hàng có phục vụ các món ăn Việt Nam không chỉ sử dụng rất tốt những yếu tố về văn hóa, hay kỹ thuật chế biến của nền ẩm thực Việt Nam, mà còn biết tận dụng những nguồn nguyên liệu dồi dào đến từ các loại rau, các loại thực phẩm khác nhau. Có thể thấy đây là một bản sắc, thể hiện được tính năng động, sự đa dạng, cũng như thế mạnh của nền ẩm thực Việt Nam".
Ông Poullennec cho biết, các thẩm định viên của Michelin Guide nhận thấy được sự đa dạng trong ẩm thực Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cởi mở, năng động, sáng tạo với nhiều cách chế biến món ăn khác nhau, trong khi Hà Nội đậm bản sắc với những yếu tố di sản, văn hóa cùng nhiều nguyên liệu địa phương tươi ngon, chịu ảnh hưởng lớn từ các công thức truyền thống.
1 sao ở TP.HCM, Tokyo hay Paris đều như nhau
Chia sẻ về quá trình đánh giá nhà hàng, ông Poullennec tiết lộ, các thẩm định viên Michelin Guide tới các nhà hàng ăn trưa và ăn tối khoảng 300 lần trong một năm. Những người này không chỉ được đào tạo, tìm hiểu thêm các kiến thức về ẩm thực của Việt Nam mà còn phải trải nghiệm đủ lâu để biết rõ về ẩm thực Việt Nam.
Đội ngũ thẩm định của Michelin Guide đã đi và đánh giá rất nhiều nhà hàng. Các nhà thẩm định đi thưởng thức nhiều món ăn khác nhau, trải nghiệm - khám phá nhiều phong cách chế biến khác nhau tại Việt Nam với rất nhiều loại hình, từ ẩm thực cao cấp cho tới ẩm thực đường phố, các quán ăn nhỏ. Ông Poullennec nói:
"Với Michelin Guide, chúng tôi có một quá trình riêng biệt, độc lập khi đánh giá, chọn lựa các cơ sở ăn uống, các nhà hàng. Đó là lý do các thẩm định viên là những nhân viên toàn thời gian, đảm bảo không có bất cứ yếu tố gì ảnh hưởng tới chất lượng đánh giá các nhà hàng. Đánh giá của các thẩm định viên chỉ phản ánh trải nghiệm của chính bản thân họ như một thực khách thông thường".
"Với mỗi nhà hàng, chúng tôi có rất nhiều thẩm định viên đến đánh giá. Mỗi thẩm định viên một khi đã đến nhà hàng nào rồi thì sẽ không quay lại nhà hàng đó nữa. Điều này là nhằm đảm bảo quy trình mà Michelin Guide đã đề ra, cũng như để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình đánh giá các nhà hàng. Kết quả cuối cùng không phải đến từ một người duy nhất, mà được đánh giá bởi một tập thể các thẩm định viên".
"Trong buổi họp, nơi các thẩm định viên đưa ra kết quả cuối cùng đối với một nhà hàng nào đó, họ chỉ bàn luận và chia sẻ về chính những trải nghiệm của mình tại các nhà hàng mà họ đã đến và thưởng thức. Giá trị của lời khen có tầm quan trọng như nhau trên thế giới . Chúng tôi đảm bảo 1 sao cho dù ở TPHCM, ở Tokyo hay Paris thì đều có chất lượng như nhau".
Giám đốc quốc tế của Michelin Guide cho rằng sự xuất hiện của cẩm nang này tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều tác động lan tỏa tới các nhà hàng, cũng như nền ẩm thực Việt Nam nói chung.
Ông khẳng định: "Michelin Guide sẽ giúp đưa Việt Nam, cũng như nền ẩm thực Việt Nam lên bản đồ ẩm thực thế giới. Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khách nước ngoài hơn và điều đó cũng giúp cho các đầu bếp sẵn sàng mở lòng hơn để có thể tiếp nhận các phong cách chế biến khác nhau trên thế giới. Khi đó, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến thú vị nhất dành cho những người đam mê ẩm thực và các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới sẽ mong muốn mở nhà hàng của mình tại đây".
Nhịp sống thị trường