MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Mỹ đặt tên cho hoạt động không kích Houthi ở Yemen là 'Chiến dịch Poseidon Archer'

23-01-2024 - 18:06 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ đặt tên cho chiến dịch không kích Houthi ở Yemen, nhưng ý nghĩa của điều đó không chỉ dừng lại ở việc định danh.

Lý do Mỹ đặt tên cho hoạt động không kích Houthi ở Yemen là 'Chiến dịch Poseidon Archer' - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ của Anh cất cánh từ căn cứ RAF Akrotiri ở CH Cyprus để thực hiện đợt tấn công nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen ngày 22/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài CNN ngày 22/1 dẫn lời hai quan chức giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đã gọi chiến dịch tấn công đường không chống lại lực lượng Houthi ở Yemen là “Chiến dịch Poseidon Archer” (Cung thủ Poseidon).

Các quan chức cho biết, cái tên này đã được sử dụng từ trước cho các cuộc tấn công ngày 11/1 do Mỹ và Anh thực hiện, cũng như 7 đợt tấn công khác kể từ đó.

Họ cũng nói rằng “Poseidon Archer” đang được coi là hoàn toàn tách biệt với “Prosperity Guardian” (“Người bảo vệ thịnh vượng), một chiến dịch được công bố vào tháng 12 năm ngoái, chính thức có sự tham gia của nhân sự và tàu từ 20 quốc gia.

Mỹ đã triển khai 'Người bảo vệ thịnh vượng' để đảm bảo việc đi lại của các tàu buôn qua Biển Đỏ và Eo biển Bab-el-Mandeb, sau khi lực lượng Houthi cho biết họ sẽ ngăn chặn bất kỳ tàu nào "có liên kết với Israel" để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza. Sau vụ không kích ngày 11/1 của liên quân Mỹ, nhóm phiến quân Yemen nói rằng các tàu của Anh và Mỹ cũng sẽ là mục tiêu “công bằng”.

Theo CNN, việc đặt tên cho chiến dịch không kích Houthi “gợi ý một cách tiếp cận có tổ chức, chính thức và có khả năng lâu dài hơn” của Lầu Năm Góc đối với tình hình ở Biển Đỏ.

Quân đội Mỹ từ lâu đã sử dụng những cái tên nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến nhận thức của quốc tế và trong nước về các hoạt động của họ. Việc sử dụng “các anh hùng thời cổ đại” và “các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và La Mã” đã được Thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra trong Thế chiến thứ hai. Poseidon là vị thần biển của Hy Lạp, được biết đến trong đền thờ La Mã với cái tên Neptune.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước thừa nhận rằng các cuộc tấn công của Anh-Mỹ không ngăn chặn được lực lượng Houthi, nhưng khẳng định chúng vẫn sẽ tiếp tục.

“Khi bạn nói liệu chúng có đang ngăn chặn người Houthi không? Không. Chúng có tiếp tục không? Có”, ông Biden nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng.

Tờ Washington Post hôm 19/1 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Wasihngton “biết rõ người Houthi là ai” và không kỳ vọng họ dừng các cuộc tấn công “ngay lập tức”, nhưng hy vọng sẽ “làm suy giảm và phá hủy khả năng của họ”. Một nhà ngoại giao giấu tên giải thích, thay vì đưa quân vào Yemen, Mỹ muốn tấn công vào “cơ sở hạ tầng” cho phép nhóm Yemen bắn tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu hàng.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 22/1, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết các máy bay ném bom của Mỹ và Anh lại tấn công các cơ sở của Houthi ở Yemen vào cùng ngày. Đây là lần thứ hai máy bay ném bom của Anh tham gia chiến dịch “Poseidon Archer”.

Các lực lượng của Mỹ - Anh đã "tấn công vào 8 mục tiêu của Houthi” ở Yemen trong đêm 22/1. "Các mục tiêu bao gồm các hệ thống tên lửa và bệ phóng, hệ thống phòng không, radar và các cơ sở lưu trữ vũ khí được chôn sâu”.

Theo CENTCOM, đợt không kích này được thực hiện “cùng với Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh và với sự hỗ trợ từ Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan”.

Trong khi đó, lực lượng Houthi cho biết họ sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu cho đến khi Israel ngừng tấn công và dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza. Israel đã thề sẽ "xóa sổ" Hamas sau cuộc thảm sát ngày 7/10 của nhóm Palestine cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người Israel.

Theo công ty tư vấn hàng hải Sea-Intelligence, các cuộc tấn công của Houthi đã tác động đến ngành vận tải biển toàn cầu nhiều hơn cả đại dịch COVID-19. Khoảng 15% thương mại đường biển của thế giới sử dụng Biển Đỏ và Kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu và ngược lại.

Đối mặt với phí bảo hiểm tăng vọt, các hãng vận tải lớn của phương Tây như Maersk, MSC, CMA CGM và Hapag-Lloyd đã chọn định tuyến lại các tàu của họ đi vòng quanh Châu Phi, bất chấp chi phí gia tăng mạnh về thời gian và nhiên liệu.

Theo Thu Hằng

Báo tin tức

Trở lên trên