MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải khoản đầu tư 'độc lạ' của Warren Buffett vào 1 quốc gia châu Á: Nhìn qua tưởng ảm đạm nhưng thực chất là 'cỗ máy in tiền' ai cũng muốn 'chen chân'

24-04-2023 - 09:44 AM | Tài chính quốc tế

Lý giải khoản đầu tư 'độc lạ' của Warren Buffett vào 1 quốc gia châu Á: Nhìn qua tưởng ảm đạm nhưng thực chất là 'cỗ máy in tiền' ai cũng muốn 'chen chân'

Theo Economist, thị trường Nhật Bản đang cực kỳ hấp dẫn khi xét đến các yếu tố cơ bản. Do đó, Warren Buffett đã không ngại "chơi lớn" khi đổ tiền vào nơi này và theo sau đó là các quỹ đầu tư sừng sỏ của Mỹ.

Cổ phiếu của 3 trong số 5 tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong tuần vừa qua, sau khi Warren Buffett thông báo rằng ông rất muốn sở hữu thêm cổ phần trong các công ty này. Dường như, đây mới chỉ là một tin tốt lành mới nhất đối với các doanh nghiệp này.

Cổ phiếu của Itochu, Marubeni, Mitsui, Mitsubishi và Sumitomo Corporation đều leo dốc kể từ khi Berkshire Hathaway công bố các giao dịch đầu tiên vào năm 2020. Kể từ thời điểm đó, giá cổ phiếu của các công ty này tăng từ 64% đến 202%.

Economist nhận định, theo một cách nào đó, Nhật Bản và Warren Buffett như “một cặp bài trùng”. Buffett nổi tiếng với việc tập trung vào những yếu tố cơ bản. Ngay cả sau khi đợt bán tháo diễn ra trên TTCK Mỹ gần đây, thì chứng khoán Nhật Bản vẫn có định giá thấp hơn nhiều. Tỷ số P/E của thị trường này hiện là khoảng 13, trong khi Mỹ là 18. Các công ty thương mại mà Berkshire đầu tư thường được coi là vững chắc và đáng tin cậy, đều có P/E dưới 10 và trả cổ tức ở mức hợp lý.

Ngoài ra, việc Berkshire đặc biệt hứng thú với thị trường Nhật Bản cũng được thể hiện theo những cách khác. Động thái của tập đoàn này cho thấy tại sao quốc gia châu Á này có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ khác.

Ngày 14/4, tập đoàn của Warren Buffett đã phát hành khoảng 1,2 tỷ USD trái phiếu bằng đồng yen, cùng với số trái phiếu 7,8 tỷ USD đã phát hành từ năm 2019 đến 2022. Nhật Bản hiện không chỉ là địa điểm đầu tư lớn thứ hai của Berkshire, mà đồng yen còn là nguồn vốn lớn thứ 2 của họ. Ngay cả trước đợt phát hành trái phiếu gần đây, gần 1/5 khoản nợ của Berkshire được định danh bằng đồng yen.

Trong khi đó, Berkshire “đi vay” không phải vì họ thiếu tiền mặt mà họ muốn tận dụng lợi thế của chiến lược phòng ngừa rủi ro tiền tệ (currency hedging). Việc đi vay cũng như mua bằng đồng yen sẽ bảo vệ Berkshire trước việc đồng nội tệ này sụt giá. Ngoài ra, do lãi suất ở Mỹ và Nhật Bản chênh lệch, Warren Buffett có thể tài trợ cho các khoản đầu tư của mình bằng cách sử dụng các khoản vay dài hạn với lãi suất dưới 2% hàng năm, trong khi vẫn dư dả tiền mặt để đầu tư vào trái phiếu chính phủ với lợi suất gần 5%.

Vị tỷ phú từng đặt câu hỏi về giá trị của việc phòng ngừa rủi ro tiền tệ trong quá cứ. Và hiện tại, sức hấp dẫn của loại giao dịch này dường như là một điều không thể chối bỏ. Hiện tại, việc đi vay bằng đồng yen có chi phí quá thấp so với USD, nên giao dịch này rõ ràng sẽ thu hút nhà đầu tư dù có ít quan tâm đến thị trường Nhật Bản.

Đương nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng phát hành trái phiếu bằng đồng yen. Song, Economist cho biết một số nhà đầu tư có thể tận dụng sự chênh lệch trong chính sách tiền tệ bằng cách phòng hộ đơn giản hơn. Việc lãi suất ở Mỹ tăng cao hơn so với Nhật Bản trong suốt 18 tháng qua khiến nhà đầu tư “xứ hoa anh đào” phải trả khoản phí bảo hiểm lớn nếu mua tài sản ở Mỹ hay phòng hộ trước các biến động trên thị trường tiền tệ. Trong khi đó, nhà đầu tư Mỹ lại có “món hời” nếu làm điều tương tự ở Nhật Bản.

Đồng yen hiện giao dịch ở khoảng 134 đổi 1 USD, nhưng hợp đồng tương lai đáo hạn vào tháng 3 năm sau lại mang đến cơ hội bán ở mức 127 đổi 1 USD. Theo đó, lợi nhuận trong chưa đầy 1 năm với giao dịch này là 5% và nhà đầu tư phải giữ đồng yen trong toàn bộ khoảng thời gian đó.

Trong năm qua, chỉ số MSCI USA có lợi nhuận ròng là -5%, còn MSCI Japan có lợi nhuận 1%. Còn MSCI Japan Hedged, theo dõi lợi nhuận của các cổ phiếu Nhạt Bản sử dụng các hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn 1 tháng, tăng 12% trong cùng kỳ.

Có lẽ, vì chứng khoán Mỹ mang lại khoản lợi nhuận quá lớn trong thập kỷ qua nên nhiều nhà đầu tư đã không chú ý đến Nhật Bản. Tuy nhiên, những “ông lớn” đang bắt đầu tìm đến địa điểm này, ví dụ, Elliott Management đã ghi nhận khoản lãi hậu hĩnh khi đầu tư vào Dai Nippon Printing. Cổ phiếu công này tăng 46% trong năm nay. Trong khi đó, quỹ phòng hộ Citadel được cho là đang mở lại văn phòng ở Tokyo sau 15 năm vắng bóng.

Sau một thời kỳ mà thị trường Nhật Bản âm thầm mang lại những khoản lợi nhuận vững chắc, thì “tấm gương” của Warren Buffett và những gã khổng lồ ngành tài chính Mỹ khác có thể sẽ khiến nơi này được chú ý nhiều hơn nữa.

Tham khảo Economist 

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên