MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải vị thế vượt trội của hàng không truyền thống tại thị trường Việt

11-06-2019 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Hàng không truyền thống với đại diện tại thị trường Việt Nam là Vietnam Airlines đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trước sự bùng nổ của hàng không giá rẻ cùng sự gia nhập của mô hình hàng không hybrid (cung cấp dịch vụ tối thiểu với giá cạnh tranh).

Cơ hội ở thị trường tăng trưởng nhanh thứ 5 thế giới

Với quy mô dân số trên 93,7 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định 6,5 – 7%/ năm, tăng trưởng nhanh về thu nhập của người dân nhất là tầng lớp trung lưu, và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đầy triển vọng, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ, trung bình trên 20% trong 5 năm liên tiếp. Được đánh giá là nước phát triển tiềm năng về hàng không thuộc top nhanh thế giới trong vòng 20 năm tới, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hàng không ở Việt Nam chưa bao giờ trở nên hấp dẫn như hiện nay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), thị phần lớn hiện nay thuộc về Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO). Số liệu Cục HKVN cho biết, năm 2018 tổng sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines và các hãng thành viên đạt trên 28 triệu lượt khách, chiếm 55,3% thị phần; Vietjet chiếm 44,7% thị phần.

Trong bối cảnh này, ngành hàng không Việt Nam từ đầu năm đến nay không chỉ đối mặt với vấn đề giá dầu tăng mạnh đi cùng biến động tỷ giá, mà còn có sức ép cạnh tranh tới từ hàng không giá rẻ (Low Cost Carier – LCC) và mô hình hàng không mới xuất hiện trên thị trường - mô hình hybrid.

Theo đó, hãng hàng không áp dụng mô hình hybrid được hiểu là một hãng LCC nhưng cung cấp một vài dịch vụ như hàng không truyền thống (Full Service Carieer - FSC). Giá vé của các hãng hàng không hybrid cũng nằm giữa mức mà LCC và FSC đưa ra.

Sức hút của hàng không hybrid là rất lớn vì trong quá trình nâng sức cạnh tranh, nhiều hãng bay LCC dần tự biến mình trở thành một hãng hybrid, theo một nghiên cứu của Đại học kinh tế Bucharest (Romania); đồng thời, các hãng hàng không truyền thống cũng có những sách lược riêng để thu hút khách hàng, duy trì và mở rộng thị phần.

Lối đi chiến lược của hàng không truyền thống

Trên thực tế cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng không dân dụng đang buộc các hãng bay, dù là FSC hay LCC đều phải thay đổi, phải tạo ra những sản phẩm mới, phải triển khai những quy trình liền lạc và cuối cùng phải tìm cách cắt giảm được chi phí và giữ cho giá vé mang tính cạnh tranh.

Cùng với đó, các hãng hàng không cũng dần nhận ra rằng không phải giá vé mà trải nghiệm bay mới là yếu tố quyết định hành vi của khách hàng. Giá vé sẽ không còn là yếu tố nhạy cảm, thay vào đó là chất lượng dịch vụ và sự trung thành của hành khách.

Tại Việt Nam, trong khi thị trường đang có sự phân hoá mạnh, thì Vietnam Airlines Group đang có các sản phẩm bao phủ mọi phân khúc khách hàng. Bên cạnh việc phối hợp triển khai thương hiệu kép với Jetstar Pacific để phục vụ phân khúc giá rẻ, Vietnam Airlines chủ yếu tập trung nguồn lực để phát triển dịch vụ trung và cao cấp theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, được đánh giá cao bởi Tổ chức đánh giá hàng không uy tín trên thế giới Skytrax.

Hiện nay, hệ thống đánh giá và xếp hạng của Skytrax là một trong những khung tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới dành cho các hãng hàng không toàn cầu, bao gồm xấp xỉ 2000 tiêu chí. Trên thang điểm 1-5 sao, VNA được đánh giá 4 sao trong nhóm các hãng hàng không truyển thống từ năm 2016. Đây là mức đánh giá dành cho các hãng có mức chất lượng tốt, tiêu chuẩn sản phẩm tốt trên các đường bay, tiêu chuẩn dịch vụ trên chuyến bay và tại sân bay căn cứ tốt.

Lý giải vị thế vượt trội của hàng không truyền thống tại thị trường Việt - Ảnh 1.

Vietnam Airlines là một trong 4 hãng hàng không truyền thống được Skytrax đánh giá 4 sao trong khu vực Đông Nam Á.

Điểm cộng về chất lượng dịch vụ đã đem lại sự tăng trưởng tích cực về lượng khách cho Hãng hàng không quốc gia. Báo cáo cuối năm 2018 của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự đoán Vietnam Airlines duy trì tốc độ tăng trưởng mảng hành khách ổn định ở mức 12%, tương đương với tốc độ tăng trưởng dự kiến của toàn ngành.

Đáng chú ý, với dịch vụ 4 sao, Vietnam Airlines có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong phân khúc khách trung bình và cao, nguồn khách mang lại tăng trưởng 7% cho doanh nghiệp trong 5 năm (2013-2018). Ví dụ điển hình trên đường bay trục Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, thống kê cho thấy có 48% khách lựa chọn bay trên Vietnam Airlines, trong đó có 73% khách doanh thu trung bình và cao (từ 1,5 triệu đồng/vé đến mức 3,2 triệu đồng/vé trở lên) bay trên Vietnam Airlines, 9% bay trên Jetstar. Như vậy Vietnam Airlines Group chiếm đến 81% khách hàng doanh thu cao.

Thách thức cạnh tranh giữa các thương hiệu là điều tự nhiên trong bất cứ môi trường kinh doanh nào. Đối với ngành hàng không, sự cạnh tranh vừa là thách thức nhưng cũng là động lực thúc đẩy hãng bay thay đổi, cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tỷ lệ đúng giờ để đem đến cho khách hàng trải nghiệm chăm sóc tận tâm, tận lực trên nền tảng an toàn tuyệt đối và phát triển bền vững.

Chương trình đánh giá các hãng hàng không toàn cầu trên thang điểm 5 sao được Skytrax đưa ra từ năm 1999. Hiện nay, khu vực châu Á – Thái Binh Dương có 12 hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 4 sao, trong đó có 7 hãng truyền thống. Các hãng hàng không truyền thống đạt 4 sao tại Đông Nam Á là Vietnam Airlines, Phillipine Airlines, Thai Airways và Bangkok Airways.


Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên