MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ma lực" của tiền ảo: Biết "ảo" sao vẫn lao vào?

30-07-2018 - 09:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Trước nhiều cảnh báo về mô hình đầu tư tiền ảo cùng những vụ lừa đảo tiền ảo bị phát hiện trước đây, tưởng rằng nhiều người đã tỉnh táo hơn khi quyết định đầu tư tiền ảo nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.

Mờ mắt vì lãi suất khủng

Lại thêm một vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo nữa bị phát giác khi ngày 23.7, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ) đã lên tiếng tố cáo khi không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Lê Minh Tâm. Dù ông Tâm đã lên tiếng cho rằng mình không ôm tiền bỏ trốn mà chỉ đang chữa bệnh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không thể tin, khi toàn bộ hệ thống máy cày tiền ảo đã biến mất sau một đêm.

Trước đó, cả nước đã chấn động vì những vụ lừa đảo tiền ảo như tiền ảo AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang hay vụ Công ty cổ phần Modern Tech bị tố cáo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan.

Các vụ lừa đảo này đều có điểm chung là người chơi các loại tiền ảo này đều được hứa hẹn với mức lãi suất cực khủng.

Ma lực của tiền ảo: Biết ảo sao vẫn lao vào? - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Lê Minh Tâm của Công ty Sky Mining bị tố cáo ôm tiền bỏ trốn.

Đồng tiền ảo AOC khiến người dân nghèo bán nhà, bán cửa để đầu tư vào. Những người đứng đầu hệ thống hứa hẹn sẽ là giúp người dân thoát nghèo nhanh chóng, đem lại giàu sang phú quý với lãi suất siêu khủng, lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng.

Còn đối với Ifan, công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống còn được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Và có lẽ khó tin nhất nhưng lại khiến nhiều người mê mẩn là mức lợi nhuận mà Sky Mining hứa sẽ mang lại 300%. Công ty yêu cầu nhà đầu tư chọn đóng các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để mua máy đào, không giới hạn số lượng gói có thể mua. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư.

Biết ảo vẫn lao vào

Sau một loạt các vụ lừa đảo tiền ảo vừa qua, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao đã có quá nhiều cảnh báo về mô hình này mà nhiều người vẫn tham gia đầu tư tiền ảo. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc người chơi “đâm đầu vào tiền ảo”.

Ma lực của tiền ảo: Biết ảo sao vẫn lao vào? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong


Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ mức lợi nhuận khủng mà những người đứng đầu hệ thống hứa hẹn. Các ông trùm tiền ảo có mánh đầu tư theo cách đa cấp, khuyến khích người dân bằng lãi suất cao, khiến người dân tự nguyện tham gia với mong muốn biến cơ hội này thành đầu tư lướt sóng. Lãi suất lên tới 300%, chuyện này là không thể nhưng nhiều người vẫn mờ mắt vì tiền, bất chấp tham gia.

“Ai cũng nghĩ rằng mình an toàn và khôn ngoan nên họ trở thành nạn nhân của chính mình. Tôi tin rằng, nhiều người đầu tư biết chắc sẽ có rủi ro nhưng ai cũng nghĩ rằng, mình sẽ rút nhanh. Và họ đã trúng vào kế hoạch của những ông trùm tiền ảo”, chuyên gia Minh Phong phân tích.

Nguyên nhân thứ hai và cũng là nguyên nhân chính là do quản lý nhà nước còn chưa đầy đủ. Hiện nay, các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở cảnh báo người dân để người dân tự chủ động và cảnh giác. Việc phát hiện và xử lý những ông trùm tiền ảo lừa đảo vẫn chưa quyết liệt.

TS Phong cho rằng nhà nước phải đẩy mạnh công tác quản trị quản lý, đưa ra các cơ chế ngăn chặn và trừng phạt nghiêm, “diệt từ trong trứng” mới mong các vụ lừa đảo tiền ảo không còn tiếp diễn.

Theo Phạm Dung

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên