Ma trận đồng hồ hàng hiệu thật giả lẫn lộn, đâu là cách để người tiêu dùng có thể bảo vệ chính mình?
Thời gian gần đây, thông tin về việc hàng loạt chiếc đồng hồ hàng hiệu được bán theo cân với giá siêu rẻ chỉ từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg hoặc bỏ 400 triệu đồng vẫn mua phải đồng hồ giả đã khiến người tiêu dùng hoang mang.
- 05-07-2019Đồng hồ hàng hiệu được bán theo... cân với giá siêu rẻ chỉ từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg
- 11-05-2019Phát hiện gần 1.300 đồng hồ nhái thương hiệu Rolex, Hublot, Patek Philippe tại Đà Nẵng
- 27-03-2019500 chiếc đồng hồ thương hiệu Rolex, Tissot nghi làm giả
Việc sưu tầm những chiếc đồng hồ chính hãng là niềm đam mê nhiều người tiêu dùng, thậm chí không ít người sẵn sàng bỏ ra những khoảng tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc đồng hồ chính hãng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang thực sự bị vướng vào ma trận đồng hồ đeo tay khi mà mức độ sản phẩm bị làm giả, làm nhái tinh vi đến mức khó có thể nhận biết bằng mắt thường.
Theo khảo sát của phóng viên về thị trường đồng hồ tại Hà Nội không khó để thấy có hàng trăm cửa hàng kinh doanh sản phẩm đồng hồ đeo tay với đủ thương hiệu nổi tiếng như Omega, Tissot, Rolex… với đủ các mức giá từ vài triệu đồng cho tới vài trăm triệu đồng.
Mới đây, theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường qua quá trình kiểm tra tại cửa hàng mua sắm ASEAN thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bảo Hưng và Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên lực lượng chức năng ghi nhận trường hợp đồng hồ Patek Phillipe được bày tại Cửa hàng mua sắm ASEAN với giá 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hình ảnh của những chiếc đồng hồ này được chụp và gửi đến chuyên gia thẩm định của hãng thì được khẳng định đây là hàng giả.
Nhiều chuyên gia về đồng hồ cho biết, người tiêu dùng có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng đồng hồ. Với tâm lý "đắt xắt ra miếng", sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua đồng hồ "hàng hiệu" vì cho rằng mức giá này chỉ có thể là hàng thật. Thế nhưng, những chiếc đồng hồ "hàng hiệu" này thực chất được nhập với giá chỉ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí còn được bán theo cân.
Nhiều cửa hàng còn tung ra chiêu khuyến mãi sâu, giảm giá từ 50-70% so với giá niêm yết... để thu hút người tiêu dùng. Đánh đúng vào tâm lí, đứng trước món hời mua đồng hồ xịn với giả rẻ, người tiêu dùng sẵn sàng xuống tiền để mua đồng hồ giả với giá chỉ có vài trăm ngàn.
Vậy người tiêu dùng phải làm thế nào để có thể nhận biết đồng hồ thật và đồng hồ nhái tại Việt Nam?
Nghiên cứu kỹ và tìm hiểu về hãng mà bạn muốn mua
Để nhận biết được đâu là một chiếc đồng hồ hàng hiệu giả, trước hết bạn phải biết hàng thật trông như thế nào, hình dáng ra sao, có những chi tiết nào đặc biệt, cân nặng bao nhiêu,....Điều này không khó, bạn có thể tìm hiểu được thông tin cơ bản nhất về chiếc đồng hồ mà các hãng đã công bố trên website chính thức.
Một số người bán đồng hồ chính hãng chia sẻ, người mua cần phải chú ý giá cả do hàng giả bao giờ cũng rẻ hơn nhiều so với hàng thật. Đồng hồ chính hãng thường có trọng lượng nặng hơn so với đồng hồ nhái vì được làm bằng các vật liệu cao cấp, độ bền cao.
"Thông thường trên móc khóa đồng hồ sẽ có in logo thương hiệu, logo phải sắc nét, độ nông sâu đồng đều, cân đối, phải khôn. Núm vặn đồng hồ thường rất tinh xảo, cũng chạm khắc ký hiệu hoặc logo tùy từng hãng".
Kiểm tra mặt số và mặt kính
Những chi tiết trên mặt số của đồng hồ chính hãng và fake rất dễ nhận biết. (Ảnh minh họa)
Nhìn vào mặt đồng hồ người mua có thể nhìn thấy rõ các chi tiết trên đó được làm rất đều và cân đối với nhau còn những đồng hồ giả thì các chi tiết in hoặc dập khá cẩu thả, thiếu ngay ngắn. Các kim đồng hồ cũng là một điểm mà bạn cần lưu ý, với những chiếc đồng hồ chính hãng thì kim đồng hồ được làm cực kỳ đều và có độ nét cao.
Kiểm tra phần dây và vỏ đồng hồ
Với đồng hồ dây kim loại, người dùng có thể kiểm tra nhanh bằng cách giữ chặt dây đồng hồ lắc qua lắc lại, nếu là đồng hồ chính hãng thì dây rất chắc chắn; nếu đó là hàng giả thì dây thường lỏng lẻo, nhanh giãn. Mặt trong và khe giữa các mắt dây đồng hồ chính hãng vẫn đảm bảo độ láng mịn, còn ở hàng giả thường bị nhám và được làm cẩu thả.
Với đồng hồ dây da chính hãng, mặt sau dây thường được in mã đồng hồ, mã số đường dây, trong khi đó đồng hồ giả có dây với đường chỉ khâu lộn xộn, thường không có mã sản phẩm, mã dây.
Kiểm tra dấu hiệu khắc, dập
Thông thường, đồng hồ chính hãng có biểu tượng dập khắc ở núm hoặc khóa dây. Với đồng hồ chính hãng, các chi tiết khắc dập sẽ khá sắc sảo, đồng đều, không bị nhòe.
Phần đáy đồng hồ in một số thông số kĩ thuật cơ bản như: chất liệu vỏ, chất liệu kính, độ chịu nước, loại máy, model hoặc serial. Người mua có thể kiểm tra xem những thông tin này có khớp với thông tin được đăng tải trên trang web chính thức của nhà sản xuất hay không. Ngoài ra, các con số phải được in với độ nông sâu đồng đều, sắc nét và cân đối. Đối với hàng giả, chi tiết in sẽ không đều nhau, đường nét không đẹp, tinh xảo.
Kiểm tra tem và phiếu bảo hành
Bất kì sản phẩm chính hãng nào cũng đi kèm đầy đủ phụ kiện như hộp đựng, sổ hướng dẫn, quan trọng nhất là sổ bảo hành. Nếu mua chiếc đồng hồ không có đầy đủ các phụ kiện trên, đồng nghĩa có thể đó là 1 sản phẩm nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Một lưu ý quan trọng ở đây là khi mua, bạn nên kiểm tra xem mã số đồng hồ có đúng với mã số được ghi trong thẻ bảo hành hay không bởi nếu mã số này không khớp, thẻ này hoàn toàn không có tác dụng
Cuối cùng, người tiêu dùng nên mua đồng hồ tại đại lý của chính hãng hoặc nhà phân phối độc quyền. Việc mua một chiếc đồng hồ chính hãng giá đắt hơn nhưng cũng tốt hơn so với việc mua một chiếc với giá rẻ ở những nơi khác. Do đó, người tiêu dùng không nên vội vã mà nên cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền.