MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc chính phủ chi tận 30 tỷ USD để xây 100 triệu nhà xí mới, người Ấn Độ vẫn "đam mê" đi vệ sinh lộ thiên vì lý do nực cười này

25-03-2022 - 18:13 PM | Sống

Mặc chính phủ chi tận 30 tỷ USD để xây 100 triệu nhà xí mới, người Ấn Độ vẫn "đam mê" đi vệ sinh lộ thiên vì lý do nực cười này

Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ khởi động dự án xây dựng 100 triệu nhà vệ sinh cho người dân để xóa bỏ thói quen phóng uế lộ thiên. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, dự án này vẫn chưa thành công vì những quan điểm cố hữu này của người dân.

Nhân ngày kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ Mahatma Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố: "Thế giới sẽ phải choáng ngợp vì 100 triệu nhà vệ sinh đã được cung cấp cho hơn 600 triệu người trong 60 tháng. Trước đó, không ai tin rằng sẽ có một ngày Ấn Độ giải quyết tình trạng đi vệ sinh lộ thiên này nhanh chóng như vậy. Thế nhưng giờ đây, chúng tôi đã làm được điều đó".

Thủ tướng Modi đã khởi động dự án - một phần trong chiến dịch Swachh Bharat (Ấn Độ sạch sẽ) từ năm 2014, với nỗ lực loại bỏ triệt để tình trạng đi vệ sinh lộ thiên của người dân. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã chi hơn 30 tỷ USD và xây hơn 100 triệu nhà vệ sinh trong 7 năm tiếp theo để cải thiện điều kiện vệ sinh trên khắp đất nước.

Trước đây, vệ sinh vẫn là vấn đề rất lớn tại quốc gia 1,3 tỷ dân này. Hàng trăm triệu người dân Ấn Độ vẫn phải đi vệ sinh ngoài trời vì nước này không có đủ số nhà vệ sinh đạt chất lượng cho toàn bộ dân số. Tình trạng đó làm tăng nguy cơ lây lan các loại bệnh dịch, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tình hình xã hội khi hiện tượng nhiều phụ nữ và trẻ em Ấn Độ thường dễ bị tấn công tình dục vì phải đợi trời tối mới chịu đi "giải quyết".

Mặc chính phủ chi tận 30 tỷ USD để xây 100 triệu nhà xí mới, người Ấn Độ vẫn đam mê đi vệ sinh lộ thiên vì lý do nực cười này - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo UNICEF, Ấn Độ là quốc gia có số lượng người đi vệ sinh ngoài trời cao nhất trên thế giới với khoảng 620 triệu người và phần lớn ở các vùng nông thôn. Quỹ này cũng cho rằng ô nhiễm do chất thải và điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, bệnh tật, suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em. 

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng chiến dịch này của chính phủ Ấn Độ thành công có thể giúp ngăn chặn tình trạng hơn 300.000 người chết do tiêu chảy và suy dinh dưỡng từ năm 2014 đến tháng 10/2020.

Năm 2020, Thủ tướng Modi đã tuyên bố Ấn Độ cuối cùng cũng chấm dứt hẳn tình trạng đi vệ sinh lộ thiên. Người dân đã sử dụng nhà vệ sinh thay vì đi ở các cánh đồng, bụi rậm hoặc bất kỳ không gian mở nào khác như trước đây.

Vấn đề có thực sự được giải quyết ?

Nếu các số liệu của chính phủ là chính xác, điều này sẽ đánh dấu một thành tựu to lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các số liệu thống kê là "sai lệch" và tình trạng đi vệ sinh lộ thiên vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn ở nước này.

Nazar Khalid, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Sáng tạo (Research Institute of Creative Education - RICE) cho biết chính phủ tập trung quá nhiều vào việc xây dựng nhà vệ sinh mà không chú ý đến việc bảo trì và quản lý chất thải đúng cách.

Không có nhà vệ sinh, tình trạng thiếu nguồn nước và người dân thiếu ý thức về vệ sinh và giữ vệ sinh hợp lý chính là những lý do khiến người dân thường đi vệ sinh ngoài trời. Ở Ấn Độ, thái độ đối với việc đi vệ sinh của người dân vẫn là một thách thức lớn trong việc loại bỏ tập tục này. 

Theo đó, nhiều người ở nông thôn coi việc đi vệ sinh lộ thiên là sạch hơn so với việc đi vệ sinh trong nhà.

Trước khi chiến dịch này của chính phủ Ấn Độ bắt đầu, chỉ có 39% hộ gia đình ở nước này được sử dụng nhà vệ sinh. Chính phủ cho biết hiện 100% hộ gia đình đã có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những con số này bị thổi phồng quá mức và nhiều người dân vẫn đang sống trong tình trạng không có nhà vệ sinh - hoặc không sử dụng nhà vệ sinh ngay cả khi họ đã được cấp.

Chuyên gia của RICE cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao rằng chính phủ này đã đặt vấn đề vệ sinh trở thành một ưu tiên lớn, điều này chưa từng có trong quá khứ. Tuy nhiên, tình trạng đi vệ sinh lộ thiên không có cách nào bị loại bỏ."

Một nghiên cứu của RICE đối với các hộ gia đình ở bốn bang miền Bắc vào năm 2014 cho thấy 70% người dân nông thôn được khảo sát đều đi vệ sinh ngoài trời ở những nơi công cộng. Một cuộc khảo sát khác vào cuối năm 2018 cho thấy con số đó là 44%.

Mặc chính phủ chi tận 30 tỷ USD để xây 100 triệu nhà xí mới, người Ấn Độ vẫn đam mê đi vệ sinh lộ thiên vì lý do nực cười này - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Chuyên gia này cho biết thêm: "Chính phủ chỉ tập trung vào việc kêu gọi xây dựng nhà vệ sinh nhưng lại không tính đến việc bảo trì cơ sở vật chất và quản lý chất thải. Không chỉ xây dựng nhà vệ sinh mà còn cần phải chỉ mọi người về cách sử dụng, cách bảo dưỡng nhà vệ sinh như thế nào."

A. Kalimuthu, Giám đốc dự án tại Viện WASH cho biết: "Việc xây dựng là phần dễ dàng. Chúng tôi đã xây dựng hàng trăm nhà vệ sinh, nhưng trọng tâm chính là dạy mọi người rằng nhà vệ sinh cách sử dụng chúng."

Bên cạnh đó, vấn đề đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ cũng là một rào cản đáng kể cần phải thay đổi. Theo niềm tin của người dân nước này, công việc dọn dẹp nhà xí và xử lý chất thải chỉ dành cho những thành viên thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội. Những người thuộc tầng lớp cao hơn sẽ không bao giờ "đụng tay" vào việc này.

"Mọi người không muốn xử lý chất thải của người. Theo truyền thống, công việc này chỉ dành cho một nhóm người nhất định trong xã hội",chuyên gia của RICE cho biết.

Cuối cùng, chuyên gia này kết luận việc đi vệ sinh lộ thiên "là một vấn đề về hành vi, không phải về khả năng tiếp cận" và trọng tâm nên chuyển sang tìm hiểu xem liệu chiến dịch của Thử Tướng Modi có tạo ra những tác động thực sự đến sức khỏe hay không."

(Theo CNN.com)

https://cafef.vn/mac-chinh-phu-chi-tan-30-ty-usd-de-xay-100-trieu-nha-xi-moi-nguoi-an-do-van-dam-me-di-ve-sinh-lo-thien-vi-ly-do-nuc-cuoi-nay-2022032509462251.chn

Ánh Lê

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên