Make in Vietnam, giành độc lập về công nghệ
Tuyên bố 'Make in Vietnam' chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn.
- 01-08-201930 năm gia công vẫn quốc gia nghèo, Make in VietNam thoát lên hưng thịnh
- 29-07-2019Make in Vietnam: Vượt qua định kiến nghiệt ngã 'hàng ngoại mới xịn'
- 23-07-2019Làm thế nào để Make in Vietnam trở thành hiện thực?
Doanh nghiệp Việt kỳ vọng lớn
“Make in Vietnam” đang “gây sóng” trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ khi được xác định là một chiến lược mới để đưa Việt Nam “hóa rồng”. “Tuyên bố Make in Vietnam chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn”, ông Nguyễn Thành Nam, Thành viên Sáng lập FPT bình luận.
VinFast vừa chính thức bàn giao lô xe Lux SA2.0 và Lux A2.0 đầu tiên cho khách hàng. Như vậy, hãng xe Việt đã cơ bản hoàn tất việc lắp đặt nhà máy và sẵn sàng vận hành thử nghiệm trước khi đi vào sản xuất hàng loạt. Với việc hoàn thành sản xuất, thử nghiệm mẫu xe hơi đầu tiên, VinFast đang từng bước hiện thực hoá “giấc mơ ô tô Việt”.
Mới đây, chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những hình ảnh về chiếc xe tự lái do đội ngũ lập trình viên của FPT xây dựng trong suốt thời gian 2 năm qua. Dự kiến cuối năm nay, những chiếc xe điện của Yamaha tích hợp công nghệ tự hành của FPT sẽ lăn bánh mà không cần người lái tại khu đô thị sinh thái Ecopark.
Điều này hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai mới cho ngành công nghiệp Việt Nam và cả ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam, khi mà công nghệ tự hành được ứng dụng trong thực tế, mang nhiều trải nghiệm mới cho việc di chuyển của cư dân, du khách trong các khu đô thị, khu du lịch cao cấp hay vận chuyển hàng hoá trong nhà máy, kho bãi.
Quyết đi đầu trong Make in Vietnam, cuối tháng 5/2019, Viettel đã thành lập Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, nhiệm vụ chính là tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã Make in Vietnam một cách quyết liệt như: Bkav kiên định 10 năm nghiên cứu, sản xuất thành công Bphone và Smarthome. VNG đưa Zalo của người Việt Nam ra thế giới, FastGo, Be phát triển ứng dụng gọi xe thành những siêu ứng dụng và mở rộng ra ASEAN.
Hiện thực hóa “Make in Vietnam”, Got It vừa qua đã ra mắt sản phẩm Querychat - một dịch vụ hướng tới các kho lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây, khởi đầu với Google BigQuery.
Chuẩn bị thế và lực
Ông Nguyễn Thành Nam đánh giá, Việt Nam đang đứng trước thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh. Cơ hội càng lớn, cạnh tranh càng khốc liệt. “Chúng ta không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại chúng ta cần mềm dẻo, lấy "vũ khí địch đánh địch", tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau”, ông Nam nói.
Để đặt được bài toán, hiểu thấu bài toán một cách mạch lạc, cần có một đội ngũ giỏi về khoa học công nghệ và có kiến thức nền rất rộng. Đội ngũ này ở Việt Nam vừa thiếu vừa phân tán. Do đó việc tập hợp được đội ngũ này, tạo điều kiện cho họ cọ xát và cộng hưởng là việc cần được ưu tiên cao nhất.
Theo ông Nam, trong lúc chưa tập hợp được nguồn nhân tài, chưa có thời cơ rõ ràng, thì điều quan trọng nhất là chuẩn bị lực lượng. Chính phủ cần ưu tiên nhanh chóng giãn sức "doanh", tức tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, để họ có thể tích lũy nguồn lực. Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích những công ty lớn, những đại gia, những quỹ đầu tư bỏ tiền để "chiêu hiền, đãi sĩ".
Về phía các doanh nghiệp công nghệ, ông Nam cho rằng, trước hết phải là một doanh nghiệp bình thường, công nghệ không phải là đũa thần. Không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ "make" được công nghệ là sẽ thành công, tức là vẫn phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi như thị trường của mình ở đâu, có những nhu cầu gì đặc biệt, đối thủ mình là ai, mình có gì hơn họ...
Không ảo tưởng cho rằng vì mình ở Việt Nam nên mình sẽ hiểu nhu cầu Việt Nam hơn đối thủ nước ngoài. Sau đó cần trả lời những câu hỏi như mình cần nguồn nhân lực cỡ như thế nào, ở Việt Nam có không, có bao nhiêu, nếu không có thì bù đắp như thế nào và cuối cùng ai sẽ là nhà đầu tư cho mình, vì sao họ lại bỏ tiền.
"Độc lập về công nghệ là một giấc mơ kỳ vĩ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm, cái chúng ta cần nhất lúc này có lẽ là nỗ lực lao động một cách kiên nhẫn và thông minh, dựa trên một hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và những sự thay đổi lớn lao do tác động công nghệ đang xảy ra trên toàn cầu', ông nhấn mạnh.
Vietnamnet