MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mang 800 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm để cho 2 con học đại học, 10 năm sau đến rút thì được thông báo: “63 năm nữa bà hãy quay lại”

05-12-2024 - 16:02 PM | Sống

Mang 800 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm để cho 2 con học đại học, 10 năm sau đến rút thì được thông báo: “63 năm nữa bà hãy quay lại”

Không kiểm tra kỹ khi nhận hợp đồng bảo hiểm, tận 10 năm sau, người phụ nữ Trung Quốc này mới bất ngờ phát hiện thời gian đáo hạn hợp đồng của mình là… năm 2084.

Tờ QQ đưa tin, gần đây, Đài Truyền hình Chiết Giang (Trung Quốc) đã đăng tải về một vụ tranh cãi liên quan đến hợp đồng mua bảo hiểm có tham gia chia lãi của bà Trương, cư trú tại thành phố Kim Hoa. Trong đó, bảo hiểm có tham gia phân chia lợi nhuận (hay còn gọi là bảo hiểm chia lãi) là sản phẩm bảo hiểm mà khách hàng được hưởng một phần lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm.

Cụ thể, bà Trương phản ánh việc mua hai gói bảo hiểm phân chia lợi nhuận của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Xintai cho con trai và con gái mình, với tổng số tiền đóng bảo hiểm trong 10 năm lên tới hơn 230.000 NDT (tương đương 800 triệu VNĐ).

Tuy nhiên, sau 10 năm, khi bà tới công ty để rút tiền thì mới phát hiện hợp đồng bảo hiểm thực tế kéo dài 73 năm, và số tiền này chỉ có thể rút vào năm 2084.

Khách hàng: "Tôi bị tư vấn sai lệch"

Theo bà Trương, khi mua bảo hiểm, nhân viên tư vấn nói rằng sau 10 năm đóng phí, bà có thể rút toàn bộ số tiền để sử dụng khi các con học đại học. Tin tưởng lời giới thiệu, năm 2011, bà đã mua hai gói bảo hiểm của Xintai với số tiền đóng hàng năm khoảng 23.500 NDT trong 10 năm. Bà cho biết thêm rằng mình từng nhận khoản chia lãi định kỳ, tổng cộng khoảng 70.000 NDT.

Tuy nhiên, đến năm 2021, sau 10 năm đóng tiền, bà Trương muốn đi rút thì mới phát hiện hợp đồng ghi rõ thời hạn bảo hiểm là 73 năm, nghĩa là phải đến năm 2084 mới có thể rút toàn bộ số tiền. Chia sẻ với truyền thông, bà Trương cũng nhấn mạnh rằng bản hợp đồng này không được cung cấp ngay sau khi ký, mà phải ba năm sau mới nhận được.

Mang 800 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm để cho 2 con học đại học, 10 năm sau đến rút thì được thông báo: “63 năm nữa bà hãy quay lại”- Ảnh 1.

Hợp đồng bảo hiểm đã ghi thời gian kết thúc hợp đồng là 73 năm. Ảnh: QQ News

Phía công ty bảo hiểm: Không có bằng chứng tư vấn sai

Đại diện Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Xintai cho biết, sau khi hợp đồng được ký kết, nhân viên đã gọi điện xác nhận với bà Trương về các điều khoản, trách nhiệm và nghĩa vụ. Công ty cũng khẳng định bà Trương không cung cấp được bằng chứng chứng minh nhân viên tư vấn sai lệch. Do hợp đồng đã có hiệu lực 13 năm, việc bà yêu cầu hoàn trả toàn bộ tiền đóng là không thể thực hiện.

Khi được hỏi về trường hợp này, luật sư Hồ Đình Mai, một chuyên gia về bảo hiểm tại Thâm Quyến, Trung Quốc, cho biết: Nếu khách hàng cho rằng mình bị nhân viên tư vấn lừa dối hoặc cung cấp thông tin sai lệch, họ cần cung cấp bằng chứng rõ ràng như bản ghi âm hoặc tin nhắn. Nếu không có, việc khiếu nại hoặc kiện tụng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, việc rút bảo hiểm phân chia lợi nhuận trước thời hạn thường dẫn đến tổn thất nặng nề. Khi rút trước hạn, khách hàng chỉ được hoàn trả theo giá trị hoàn lại của hợp đồng, vốn thấp hơn nhiều so với tổng phí đã đóng. Điều này được giải thích do các chi phí vận hành, thuế và hoa hồng trả cho nhân viên tư vấn mà công ty bảo hiểm phải chi trả.

Ví dụ, một khách hàng đóng tổng cộng 1 triệu NDT cho một gói bảo hiểm phân chia lợi nhuận, nhưng khi rút trước hạn, chỉ nhận lại được khoảng 500.000 NDT và một khoản lãi nhỏ. Với những hợp đồng khắt khe hơn, số tiền nhận về càng giảm.

Vụ việc của bà Trương là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng việc mua bảo hiểm cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Người mua không chỉ cần hiểu rõ sản phẩm mà còn phải đảm bảo rằng mọi thỏa thuận đều được ghi nhận bằng văn bản, có lưu giữ bằng chứng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng cần tăng cường trách nhiệm trong tư vấn và cung cấp thông tin minh bạch để tránh các tranh chấp không đáng có.

Mang 800 triệu đồng tiền tiết kiệm đi mua bảo hiểm để cho 2 con học đại học, 10 năm sau đến rút thì được thông báo: “63 năm nữa bà hãy quay lại”- Ảnh 2.

Bài học rút ra cho người mua bảo hiểm

Đọc kỹ hợp đồng và lưu giữ bằng chứng

Các chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên đọc kỹ nội dung hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về thời hạn và quyền lợi bảo hiểm. Không nên chỉ dựa vào lời tư vấn miệng của nhân viên bán hàng. Việc ghi âm hoặc lưu trữ tin nhắn có thể trở thành bằng chứng quan trọng nếu xảy ra tranh chấp.

Hiểu rõ mục đích khi mua bảo hiểm

Hầu hết các gói bảo hiểm không phải là công cụ đầu tư lợi nhuận cao, mà mang tính chất bảo vệ tài chính lâu dài. Vì vậy, khách hàng nên cân nhắc kỹ và hiểu rõ mục đích khi mua bảo hiểm, đặc biệt là với các gói bảo hiểm có thời hạn dài.

Dừng tổn thất kịp thời

Nếu nhận thấy sản phẩm bảo hiểm không phù hợp hoặc gây gánh nặng tài chính, khách hàng có thể xem xét dừng đóng phí để tránh tổn thất lớn hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quyết định.

*Nguồn và ảnh: QQ News

Thùy Linh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên