Mang lương hưu hơn 30 triệu đồng về quê giúp đỡ bà con nghèo, chưa đầy 2 tháng ông hối hận không thôi: Mất tiền còn mang tiếng
Ảnh minh họa: Pixabay
Ôm tâm nguyện về quê tận hưởng tuổi già, giúp đỡ bà con, người đàn ông Trung Quốc đã phải “quay xe” vội vã chỉ sau 2 tháng.
- 16-06-2023Mùa hè ăn nhiều loại rau này vừa giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp, vừa là “món trường sinh” mà ít ai biết
- 15-06-2023Vén màn bí mật “in ra tiền” của các doanh nghiệp hàng xa xỉ: Đi ngược mọi loại lý thuyết bán hàng, ai bắt chước “dởm” là phá sản như chơi
- 15-06-2023Ngôi nhà 75m2 lụp xụp nằm trong ngõ bỗng lột xác bất ngờ: Chi tiết "đắt giá" nhất trong cả thiết kế khiến ai nhìn vào cũng ao ước
Giúp đỡ người khác là một đức tính truyền thống đầy tốt đẹp. Trong cuộc sống, nếu phù hợp với khả năng của bản thân, chúng ta có thể giúp đỡ người khác mà không yêu cầu đền đáp. Nhưng ít nhất, lòng tốt nên được công nhận một cách chân thành.
Dù vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý. Có những trường hợp mà người tốt bụng chẳng những không được ngợi khen, mà còn bị phê phán sau lưng. Chú Triệu, 68 tuổi, người Trung Quốc là một ví dụ. Câu chuyện của chú đã gây nhiều sự chú ý sau khi được chia sẻ trên nền tảng Toutiao.
Sau khi nghỉ hưu, chú Triệu có khoản lương hưu 10.000 NDT (tương đương 33 triệu đồng), không phải lo lắng về kinh tế sau này. Chú luôn cảm thấy cuộc sống hưu trí ở thành phố quá nhàm chán. Con cái đều bận rộn công việc, các cháu phải tập trung học hành, hàng xóm đóng cửa chỉ lo chuyện cá nhân. Cả ngày, chú chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ.
Cuối cùng, sau 3 năm hưu trí, chú quyết định chuyển về quê.
"Khi con người ta già đi, nỗi nhớ nhà càng da diết, tôi thường mơ về khoảng thời gian hạnh phúc ở quê nhà", chú kể.
Thời gian đầu, trở về quê hương quen thuộc mà xa lạ, chú thấy rất thoải mái. Cuộc sống mọi người bình dị, hàng xóm niềm nở, không so đo xa hoa. Khi một số họ hàng kéo đến nhà thăm hỏi, chú tiếp đãi họ rất nhiệt tình. Bao nhiêu đồ ăn ngon trong nhà đều được lấy ra mời. Mọi người cũng quan tâm, hỏi han chú từng li từng tí.
Ảnh minh họa: Xinhua
Tuy vậy, các buổi thăm hỏi diễn ra quá thường xuyên. Có người không chỉ muốn ăn uống tại nhà chú, mà còn muốn gói mang về. Những sản vật trong nhà vơi đi một cách nhanh chóng. Vì tốt tính, chú Triệu cũng không nói gì mà chỉ bỏ thêm tiền để đặt mua thực phẩm số lượng lớn.
Với khoản lương hưu 10.000 NDT mỗi tháng, chú không cần con cháu phụng dưỡng vẫn có thể tận hưởng cuộc sống đầy đủ. Có lần, thấy một đôi bà cháu hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi chữa bệnh, chú còn khẳng khái chi trả cho họ 300 NDT mà không do dự nhiều.
"Đối với tôi, 300 NDT chẳng đáng bao nhiêu, nhưng hai bà cháu vừa mừng vừa lo, luôn miệng cảm ơn rối rít. Họ trân trọng khoản tiền ấy rất nhiều. Điều đó khiến tâm trạng tôi rất vui", chú kể. "Nhưng không ngờ, cuộc sống của tôi dần thay đổi sau lần đó."
Chuyện chú Triệu cho tiền đôi bà cháu được lan truyền khắp thôn. Người ta hết lời khen chú là "người đàn ông hào phóng, rộng lượng", nhưng sau đó, những đề nghị xin tiền, hỏi vay liên tiếp kéo đến. Người thì nói "trong nhà có đứa nhỏ bị bệnh nặng", người lại bảo "kẹt tiền vì chuẩn bị làm đám cưới cho con"...
Ban đầu, thấy người quen gặp khó khăn, chú cũng mềm lòng, giúp đỡ họ vài trăm NDT. Nhưng khi ngày càng có nhiều người vay tiền, số tiền cũng dần lớn lên, ví của chú xẹp đi như quả bóng bị xì hơi.
"Chất lượng cuộc sống của tôi cũng giảm mạnh. Tôi thậm chí không có tiền để mua đồ ăn ngon hay quần áo mới", chú tiết lộ.
Lo nghĩ nhiều, chú Triệu bị bệnh. Khi chú liên hệ với những gia đình đã cho vay, mong muốn lấy lại một phần để khám chữa bệnh, kết quả có thể tưởng tượng được. Khoản tiền lúc mang về chưa bằng 10% số tiền nợ ban đầu.
Ảnh minh họa: U.Stran
Thậm chí, nhiều người bắt đầu dè bỉu sau lưng. Họ nói chú "thà cho tiền người lạ, chứ chỉ ki bo kẹt xỉ với người thân"; hoặc "thấy nhà người ta khó khăn mà vẫn mặt dày đòi tiền". Từ "người đàn ông tốt bụng", chú trở thành "kẻ vô lương tâm" trong mắt người ở quê.
Quá buồn bực, chú Triệu lên thành phố chữa bệnh, sau đó cũng từ bỏ ý định quay về quê.
Chú Triệu chắc chắn không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh như vậy. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Creditcards.com, 42% số người được hỏi cho biết họ đã mất tiền do cho bạn bè hoặc thành viên gia đình vay.
Trong cuộc khảo sát khác của Lendingtree (Mỹ), hơn một phần ba số người vay và người cho vay đã chia sẻ cảm xúc còn lại sau mỗi lần vay hoặc cho vay là tiêu cực, bao gồm sự oán giận và cảm giác bị tổn thương.
Nên hay không việc cho người thân quen vay tiền? Ảnh minh họa: Xinhua
Cho vay tiền có thể làm tổn hại đến mối quan hệ với bạn bè và gia đình của bạn, đặc biệt nếu họ gặp khó khăn trong việc trả lại. Thiệt hại tinh thần này thường có thể cảm thấy tồi tệ hơn mất tiền. Vì thế, nhiều người đã hạn chế cho bạn bè hoặc thành viên gia đình vay tiền để tránh được những đau đầu về tài chính và tình cảm sau này.
Việc cho vay tiền cũng cần có chọn lọc. Kể cả khi sẵn sàng cho vay, hãy lưu ý những điều sau đây:
1. Thiết lập ngân sách rõ ràng, nằm trong khả năng của bản thân.
2. Hãy hỏi rõ lý do vay, giảm số tiền cho vay xuống mức tối thiểu.
3. Văn bản hoá mọi thứ, dù là với người thân thiết nhất: Nên ghi rõ cả thời gian, địa điểm, lãi suất và chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không trả được nợ.
4. Học cách nói "không" một cách tôn trọng.
5. Nhờ một người trung gian chứng kiến.
6. Biết rằng mối quan hệ sẽ thay đổi, từ người quen, bạn bè, họ hàng trở thành người vay - chủ nợ.
7. Xác định tâm lý có thể khoản tiền vay nợ sẽ không trở lại.
*Nguồn: Toutiao, Lendingtree
Nhịp sống thị trường