Mảnh ghép “Toàn Mỹ” cho tập đoàn Sơn Hà
Với việc nắm trong tay Toàn Mỹ - thương hiệu đứng thứ hai ở thị trường phía Nam, được định vị cao hơn các thương hiệu khác, Sơn Hà đang tiến gần hơn tới giấc mơ nhà sản xuất gia dụng lớn nhất Việt Nam.
Sau khi đã thâu tóm thành công thương hiệu bồn nước không gỉ Trường Tuyền hồi giữa năm 2017, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) vừa tiếp tục công bố thâu tóm thành công Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh Toàn Mỹ. Theo đó, kể từ ngày 10/10, Toàn Mỹ chính thức trở thành công ty con của Sơn Hà với việc nắm giữ 99,78% vốn điều lệ.
Trước đó, Sơn Hà đã phát hành 17,96 triệu cổ phiếu hoán đổi cho các cổ đông theo tỷ lệ cứ một cổ phiếu Toàn Mỹ được chuyển thành 2 cổ phiếu SHI. Kết thúc đợt chuyển đổi, vốn điều lệ của Sơn Hà tăng lên gần 854 tỷ đồng.
Cả hai đều là những doanh nghiệp tên tuổi trong ngành hàng bồn nước inox, chỉ khác nhau ở địa bàn hoạt động. Sơn Hà chiếm thị phần bồn nước lớn hơn tại phía Bắc trong khi bồn nước inox Toàn Mỹ phát triển mạnh tại khu vực phía Nam với hơn 20 chi nhánh, cửa hàng và hơn 600 đại lý trên cả nước.
Sơn Hà khởi nghiệp vào năm 1998 từ một doanh nghiệp kim khí tại Hà Nội, đến nay, Sơn Hà ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng Việt bằng sản phẩm Bồn inox – giải pháp lưu trữ nước thông minh, hiệu quả và an toàn cho sức khỏe. Trải qua chặng đường 20 năm dựng xây và phát triển, Sơn Hà trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam với 10 nhà máy lớn ở trong và ngoài nước cùng hàng nghìn đại lý, nhà phân phối trải khắp 63 tỉnh, thành.
Lĩnh vực hoạt động của Sơn Hà cũng được mở rộng rất nhiều so với trước đây, từ các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như Pin năng lượng mặt trời, Thái dương năng thế hệ mới thách thức mọi giới hạn, Bồn Septic thông minh đến các mặt hàng gia dụng thiết yếu cho mỗi gia đình như Bình nước nóng, Máy lọc nước R.O, Chậu rửa bát inox... Không chỉ chinh phục thị trường truyền thống, sản phẩm mang thương hiệu Sơn Hà hiện còn có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
Còn Toàn Mỹ được thành lập năm 1993, với cái tên Gia Phát Toàn Mỹ, chuyên sản xuất bồn nước các loại. Đến năm 1995, tên Toàn Mỹ bắt đầu được sử dụng, cho ra thị trường hàng triệu sản phẩm bồn nước.
Trước khi bị thâu tóm, Toàn Mỹ đứng thứ hai ở thị trường phía Nam, được định vị cao hơn các thương hiệu khác. Các sản phẩm inox của Toàn Mỹ còn được xuất khẩu qua nhiều nước khác trên thế giới như Na Uy, Thụy Sỹ, Úc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, Toàn Mỹ còn có 3 nhà máy có diện tích hàng nghìn m2 tại Bình Dương, Quảng Nam và Hải Dương.
Tại Đại hội cổ đông hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch của Sơn Hà từng cho biết, kế hoạch thâu tóm Toàn Mỹ đã được đưa ra từ 5-6 năm trước. Thời điểm đó, bồn nước inox của Toàn Mỹ tràn ngập khắp nơi mà Tân Á Đại Thành trước đây cũng là một đại lý phân phối hàng của Toàn Mỹ.
Sau khi công bố kế hoạch thâu tóm vào cuối năm ngoái, thỏa thuận và quá trình đàm phán mua bán được hoàn tất ngay từ tháng 10/2017 và chính thức công bố hoàn thành vào tháng 10 vừa qua.
Thị trường vẫn đặt câu hỏi về chuyện hậu trường của thương vụ này, rằng vì lý do gì một doanh nghiệp cũng thuộc hàng “tai to mặt lớn” như Toàn Mỹ lại dễ dàng bị thâu tóm như vậy? Câu trả lời nằm ở mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp.
Ông chủ Toàn Mỹ chính là ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc U&I Group. Chia sẻ với báo chí hồi năm ngoái, thời điểm khi thương vụ này được công bố và gây chú ý trên thị trường, ông Tín thẳng thắn thừa nhận, ông thân với ông Sơn như anh em.
“Giao Toàn Mỹ cho Sơn Hà vận hành để phát triển thương hiệu này mạnh hơn nữa là chuyện hay. Anh Sơn tập trung làm mảng đó nên giao Sơn là hợp lý”, ông Tín nói.
Ông Tín được được mệnh danh là “người giải cứu” doanh nghiệp với nhiều phi vụ nổi tiếng. Thương vụ giải cứu Toàn Mỹ cách đây 11 năm là một trong những thương vụ M&A thành công của ông Tín.
“Toàn Mỹ cho ra đời thương hiệu bồn nước inox đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng chỉ thực sự mạnh ở miền Nam. Lúc tôi mua, Toàn Mỹ đang lỗ và gần như mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, Toàn Mỹ hoạt động ổn định và có lãi tốt từ lúc tôi vào quản lý. Doanh thu và lợi nhuận tăng đều khoảng 10-15%/năm từ đó”, ông Tín chia sẻ với báo giới.
Sơn Hà có doanh thu hợp nhất năm 2017 khoảng 3.560 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ mỗi năm từ 70-80 ngàn bình/năm. Sau khi thâu tóm Toàn Mỹ, doanh thu của doanh nghiệp này cũng được kỳ vọng cải thiện đáng kể. Ngay trong năm đầu tiên hợp nhất, Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng cao, với kì vọng tỷ lệ đóng góp của Toàn Mỹ là gần 10% và 20%.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận, mà quan trọng hơn, thương vụ thâu tóm này giúp Sơn Hà nhanh chóng đạt mục tiêu trở thành thương hiệu ngành hàng là số 1 trên thị trường.
Trong năm 2017 khi nói về kế hoạch thâu tóm Toàn Mỹ, lãnh đạo Sơn Hà đã cho biết việc này sẽ giúp công ty mở rộng và phát triển thị trường phía Nam, tận dụng lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu của Toàn Mỹ tại phía Nam. Mặt khác, việc sáp nhập này cũng giúp Sơn Hà bớt đi một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trên thị trường.
Sau khi Toàn Mỹ bị thâu tóm, hiện tại, trên thị trường của ngành hàng bồn nước chỉ còn 3 ông lớn là: Sơn Hà, Tân Á Đại Thành, Tân Mỹ, trong đó Sơn Hà và Tân Mỹ địa bàn hoạt động chủ yếu vẫn là miền Bắc.
Như vậy, Toàn Mỹ chính là một “chìa khóa toàn năng” bởi đã giúp Sơn Hà mở ra một con đường rộng mở bằng một thương hiệu mạnh để tiến vào thị trường miền Nam.
Thương vụ này biến Sơn Hà trở thành công ty lớn nhất Việt Nam sản xuất các sản phẩm đồ inox dân dụng (bồn inox, máy năng lượng mặt trời, chậu rửa inox, thiết bị nhà bếp).
Ngoài tham vọng độc chiếm thị phần trong ngành hàng bồn rửa inox, thời gian gần đây, Sơn Hà cũng liên tục đưa ra những kế hoạch kinh doanh mới nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị liên quan đến hệ thống cấp nước gia dụng.
Đặc biệt, Sơn Hà cũng đề ra mục tiêu hoàn thành và tăng cường đầu tư vào các dự án chiến lược như: Khai thác tiềm năng thị trường Myanmar thông qua nhà máy sản xuất và Công ty con tại Myanmar (SHM), ứng dụng dây chuyền công nghệ Đức tại nhà máy nước Hà Đông, tăng sản lượng xuất khẩu.
Để hoàn thành các mục tiêu này, trong năm 2018, Tập đoàn Sơn Hà sẽ phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, thường xuyên rà soát và sắp xếp lại các bộ phận chức năng, hệ thống công ty thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các ngành nghề liên quan trong chuỗi giá trị, mở rộng xoay quanh ngành nghề cốt lõi thông qua nhiều cách thức từ đầu tư mới, đầu tư mở rộng tới mua bán sáp nhập.
“Tôi mơ ước Sơn Hà trở thành nhà sản xuất số một Việt Nam! Bằng con người, bàn tay khối óc người Việt, phục vụ người tiêu dùng Việt, là niềm tự hào của ngành sản xuất trong nước, với tinh thần doanh nghiệp Quốc Dân có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; Thương hiệu đạt tầm ảnh hưởng quốc gia” – Ông Lê Vĩnh Sơn Chủ tịch HĐQT Sơn Hà chia sẻ.