MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin và vùng nguy hiểm

Trên TTCK hiện nay, có những CP thanh khoản cao, được cơ quan quản lý cho phép giao dịch ký quỹ, nhưng không phải CTCK nào cũng mạnh dạn cấp margin. Nghịch lý là có những CTCK hàng đầu về năng lực margin lại kiên quyết nói không với những CP loại này.

Thận trọng cho chắc

Trong một buổi chia sẻ thông tin với các định chế tài chính cũng như báo giới, Phó Tổng giám đốc 1 CTCK lớn kể lại câu chuyện ông và một người đồng cấp thường xuyên xảy ra tranh luận về việc cấp margin cho CP. Hiểu nôm na là vị phó phụ trách kinh doanh của CTCK này đề xuất cấp margin cho CP nào đó, nhưng vị phó quản lý rủi ro không chấp nhận cũng không thể thông qua.

Tất nhiên với những CP rủi ro đã lộ quá rõ như công bố thông tin không minh bạch, làm ăn yếu kém, có yếu tố bị đẩy giá các CTCK không cần phải băn khoăn. Nhưng cũng có CP nhìn cũng được, hình ảnh cũng đẹp, nhưng kèm theo đó là các yếu tố rất mơ hồ khó nghĩ. Đặc biệt hơn cả, nếu những CP có thanh khoản lớn, đủ điều kiện cho vay margin, đem lại nguồn thu đáng kể từ lãi vay cũng như phí giao dịch, việc không cho margin đúng là thiệt đơn thiệt kép.

Không được sử dụng margin, nhất là những CP được phép chẳng NĐT nào muốn dùng vốn tự có để mua, vì CP hấp lực lớn, cần có thêm tiền margin để tăng tỷ suất sinh lời. Lúc này CTCK đứng trước nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhất quán với chủ trương đã đề ra, hay xé rào, rón rén cấp margin. Bởi lẽ có những CP xếp vào vùng nguy hiểm của việc cấp margin, nhưng cho đến giờ rủi ro chưa xảy ra, và có CTCK cấp và đến giờ vẫn an toàn, điều này cũng khiến nhiều CTCK rất khó nghĩ.

Mặt khác, giữ cho hệ thống an toàn, CTCK cũng có thể chịu sự đánh đổi về mặt thị phần, đôi khi cũng không dễ chấp nhận. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn nội bộ ngay trong chính CTCK khi khối kinh doanh có thể trách khối quản trị rủi ro vì quá thận trọng làm ảnh hưởng đến thu nhập chung.

Liều có ăn được nhiều?

Câu chuyện của TTF năm ngoái, cho đến trước khi scandal hàng tồn kho bốc hơi cả ngàn tỷ đồng xuất hiện CP này được hỗ trợ không ít bởi dòng tiền margin. Lúc đó TTF là CP điển hình cho việc vượt qua khó khăn, nợ nần để hồi phục trở lại. Vì vậy khi xảy ra sự cố đã có những CTCK không kịp giải chấp để thu hồi dòng vốn margin và chịu thiệt hại đáng kể. TTF chỉ ra rủi ro luôn hiện hữu trong hoạt động margin, đôi khi các CTCK cũng không thể lường hết được.

Vậy còn với những CP thuộc vùng nguy hiểm thì sao? Thực tế cho thấy, các CTCK ứng xử với hoạt động margin trong trường hợp này cũng tương tự việc NĐT đua lệnh mua CP nóng tăng trần. Về lý mà nói, nếu CP còn tăng đủ T+3, NĐT có thể bán ra và “thắng” được rủi ro. Tương tự, nếu CTCK cảm thấy vẫn có thể “sống sót” được trong vùng nguy hiểm, cấp margin cho những CP bị các CTCK ghẻ lạnh và thực hiện thành công, cũng có thể xem đó là thắng lợi.

Trong chừng mực nào đó, không chắc những CTCK tham gia vùng nguy hiểm là bất cẩn hay mạo hiểm, mà đơn giản là khẩu vị, khả năng chịu đựng rủi ro của các CTCK khác nhau. Nếu CTCK nào sẵn sàng “chơi” cũng phải chuẩn bị để có thể chịu nhiệt nếu rủi ro xuất hiện. Cũng vì lẽ đó, một số môi giới kháo nhau sở dĩ có CTCK thị phần bỗng nhiên tăng mạnh là do dám tham gia vùng nguy hiểm của margin.

Bỏ qua những rủi ro, vùng nguy hiểm cũng đem lại cho CTCK quá nhiều thuận lợi, bởi lẽ khi bị CTCK lớn từ chối, trong khi nhu cầu của khách hàng lại cần margin, tất nhiên khách hàng sẽ phải biết ơn CTCK rộng rãi, từ đó CTCK cũng có thêm được khách mới. Hơn nữa cũng vì CP ít được triển khai margin nên CTCK cũng không phải chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh, thậm chí còn được “truyền miệng” miễn phí.

Trong ngắn hạn, các CTCK tham gia vùng nguy hiểm lợi nhiều hơn hại, nhưng về lâu dài thì sao? Rủi ro luôn hiện diện, vấn đề là đến khi có nguy cơ xuất hiện liệu CTCK có đủ sức nhận diện, hoặc nếu nhận diện được sẽ hành động thế nào. Đoán định diễn biến của CP luôn là thách thức với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Còn khi đang cung cấp margin một cách đều đặn, nếu CTCK đột ngột cắt bớt, giảm tỷ lệ hoặc giải chấp, chắc chắn nhận được những phản ứng dữ dội từ khách hàng. Việc khách hàng sau những lần bị giải chấp “quê độ” đóng tài khoản, chuyển đi CTCK khác rất dễ xảy ra.

Vậy nên, cắt margin CP trong vùng nguy hiểm rất dễ tạo ra sự cay cú và gắn kết giữa CTCK - khách hàng cũng chẳng lấy gì làm chặt chẽ, nên việc chia tay nhau rất dễ xảy ra. Nói tóm lại, vùng nguy hiểm giống như trò chơi cảm giác mạnh, CTCK nào muốn chơi cứ tham gia, nhưng chỉ có thể kiếm tiền ngắn hạn và kèm theo đó rất nhiều rủi ro. Đây cũng là quy luật vì margin vốn tạo ra thu nhập cao, đi kèm theo đó cũng là rủi ro lớn.

Theo Thy Nhã

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên