Masan tăng tốc xây dựng “Point of Life”
Những giao dịch M&A hàng trăm triệu USD gần đây củng cố nền tảng vững chắc để Masan thành công trên hành trình xây dựng nền tảng “Point of Life”.
Trong 2 tháng qua, Masan là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường tài chính với loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn. "Những mảnh ghép chiến lược để chuyển hóa The CrownX thành nền tảng "Point of Life" xuyên suốt từ online đến offline đang dần dần hoàn thiện. Đó sẽ là điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng", Tổng giám đốc Masan Group Danny Le khẳng định.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group
Bài học thành công của Walmart
Trong các giao dịch M&A gần đây của Masan, thương vụ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Alibaba, Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX được giới phân tích nhìn nhận là cú hích lớn hơn cả để kỳ lân ngành tiêu dùng - bán lẻ của Việt Nam tăng tốc.
Alibaba là tập đoàn thương mại điện tử thống trị thị trường hơn một tỷ dân tại Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, công ty con Lazada của gã khổng lồ này cũng là một trong những sàn thương mại điện tử dẫn đầu khu vực.
Riêng tại Việt Nam, Lazada là một trong ba nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thị trường trong nhiều năm qua với hơn 20 triệu người dùng và hạ tầng logistics, kho bãi trải dài trên cả nước. Ngay sau thương vụ đầu tư của Alibaba, VinCommerce và Lazada sẽ trở thành đối tác chiến lược. Người tiêu dùng sẽ có thể mua sắm hàng nhu yếu phẩm của VinMart trên LazMall.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi đặt mục tiêu triển khai ngay việc xử lý đơn hàng LazMall tại 10-15 siêu thị VinMart ở TP.HCM và Hà Nội với số lượng 1.000 đến 2.000 sản phẩm thiết yếu nhất. Trong đó, đa số vẫn là thực phẩm tươi sống và đóng gói", ông Danny Le cho biết.
Về dài hạn, các cửa hàng VinMart, VinMart+ cũng có thể trở thành điểm nhận hàng cho khách mua sắm trên Lazada. Cả hai bên cũng sẽ phân tích dữ liệu của tập khách hàng chung để ngày càng thấu hiểu người tiêu dùng.
VinCommerce đang giữ vị trí số một về mạng lưới bán lẻ với hơn 2.200 cửa hàng VinMart+, trên 120 siêu thị VinMart trên toàn quốc. Cùng với sự kết hợp với Lazada nói riêng và Alibaba nói chung để phát triển kênh bán hàng trực tuyến, The CrownX đang hoàn thiện mảnh ghép để trở thành nhà bán lẻ Offline to Online (O2O) số 1Việt Nam. Masan hoàn toàn có cơ sở để tự tin về thành công của mô hình bán lẻ O2O.
Báo cáo mới đây của VDSC dẫn số liệu từ McKinsey, Kantar World Panel và Asia Plus Inc cho thấy tỷ lệ thâm nhập của mua sắm hàng bách hóa, thực phẩm trực tuyến ở Việt Nam mới ở mức 2%. Nếu nhìn vào tỷ lệ này tại một số thị trường lân cận như Trung Quốc (10%) và Hàn Quốc (20%), Việt Nam còn nhiều dư địa cho kênh bán hàng nhu yếu phẩm trực tuyến phát triển. Ngay trong giai đoạn 2021-2025, Masan kỳ vọng kênh online sẽ đóng góp tỷ trọng 15% tổng doanh thu bán lẻ của The CrownX.
Mục tiêu vì khách hàng và cả cổ đông
Không chỉ mở rộng về quy mô, những thương vụ M&A mới của Masan sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tỷ suất lợi nhuận cho The CrownX nói riêng và tập đoàn nói chung. Không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi với chiến lược "Point of Life", cổ đông của Masan cũng sẽ nhận về giá trị gia tăng trên từng đồng vốn đầu tư của mình.
Ngay trong năm đầu tiên về với Masan, VinCommerce lần đầu đạt biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương 0,2% vào quý IV/2020. Đến quý I, biên EBITDA của hệ thống bán lẻ này tiếp tục cải thiện, đạt 1,8%. Đà tăng trưởng sẽ còn nối dài trong những quý tới.
VDSC dự báo việc phát triển kênh bán hàng online cùng Lazada sẽ tiếp tục tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và biên lợi nhuận cho hệ thống bán lẻ của The CrownX. VinCommerce sẽ tăng doanh thu dựa trên tập khách hàng lớn và hệ thống vận chuyển có sẵn của Lazada.
Song song đó, chiến lược phát triển hệ thống kiosk Phúc Long bên trong các cửa hàng VinMart+ sau thương vụ M&A 15 triệu USD cũng được chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán kỳ vọng giúp tăng tỷ suất sinh lời của VinCommerce. Với lợi thế chi phí đầu tư ban đầu thấp, các kiosk Phúc Long có thể giúp các cửa hàng VinMart+ tăng thêm 2% biên EBITDA trong dài hạn.
Với thương vụ rót vốn 400 triệu USD của nhóm nhà đầu tư được dẫn dắt bởi Alibaba vào The CrownX đang được định giá 6,9 tỷ USD. Con số 6,9 tỷ USD là giá trị của cổ phần của The CrownX tại Masan Consumer Holdings (xấp xỉ 86%) và VCM (xấp xỉ 84%), kết hợp với các giá trị cộng hưởng của nền tảng tiêu dùng - bán lẻ "Point of Life" Masan hướng tới.
"Định giá của The CrownX không chỉ dừng lại ở con số 6,9 tỷ USD. Giá trị The CrownX sẽ còn tăng từ 3 đến 5 lần trong những năm tới. Đây cũng là giá trị gia tăng so với số vốn bỏ ra chúng tôi mong muốn mang lại cho nhà đầu tư", CEO Masan Group Danny Le tự tin khẳng định.
410 triệu USD SK đầu tư vào VinCommerce đầu tháng 4 chính là minh chứng cụ thể cho niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng tăng trưởng của mảng kinh doanh này. Ngay trong năm nay, Masan dự kiến sẽ hoàn tất thêm một giao dịch đầu tư chiến lược vào The CrownX với một nhóm nhà đầu tư khác. Quá trình đàm phán đang diễn ra và giá trị thương vụ ước tính 300-400 triệu USD.
Mới đây, VDSC đã cập nhật khuyến nghị mua cổ phiếu Masan với định giá 136.000 đồng. Song song đó, VCSC cũng cập nhật giá mục tiêu của cổ phiếu Masan lên 142.500 đồng.