MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt bằng lãi suất chưa thay đổi

19-12-2016 - 14:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo một chuyên gia, rất khó để nền kinh tế Việt Nam giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Trong báo cáo mới nhất của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2016 có đánh giá: các điều kiện để giảm lãi suất VND đang bớt thuận lợi lại. Cơ quan này chỉ ra một số yếu tố khi: CPI tăng nhanh trở lại kể từ cuối tháng 10. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước. Lãi suất Trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 0,5% ở các kỳ hạn...

Lãi suất thị trường liên NH có xu hướng tăng. Đến ngày 13/12, theo cập nhật từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, lãi suất bình quân VND các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng chào trên thị trường liên NH đã chạm mốc 5% - cao nhất kể từ cuối quý II/2016. Điều này cũng không khó lý giải. Yếu tố mùa vụ cuối năm khiến nhu cầu vốn ngắn hạn tăng, thanh khoản hệ thống NH bớt dư thừa hơn so với thời điểm quý III, đẩy lãi suất trên thị trường liên NH nhích lên.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra nhận định lãi suất liên NH từ nay đến Tết Âm lịch sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 3,5 - 4,5%/năm.

Cùng với diễn biến tăng lãi suất VND trên thị trường liên NH, lượng vốn trong nền kinh tế một tháng trở lại đây cũng có nhiều thay đổi. NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu. Đến ngày 13/12, khối lượng tín phiếu NHNN còn lưu hành giảm xuống 58.430 tỷ đồng, giảm 11.570 tỷ đồng so với tuần trước đó (70.000 tỷ đồng). Nhà điều hành cũng khởi động lại nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để bơm tiền ra. Ngày 13/12, lượng vốn NHNN đã bơm ra là 10.115 tỷ đồng, với tổng lượng bơm tính đến cùng ngày lên 26.115 tỷ đồng.

Một yếu tố khác, trong cuộc họp ngày 13 - 14/12 vừa qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25%. Đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH nằm trong khoảng 0,5 - 0,75%. Ngoài ra, Fed cũng mở ra khả năng sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017. Trên lý thuyết, khi Fed tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ cao hơn, dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển từ thị trường các nước đang phát triển chảy về Mỹ để hưởng lãi suất hấp dẫn. Như vậy là đồng tiền của các thị trường mới nổi, như Việt Nam sẽ chịu áp lực khá lớn về phá giá.

Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cũng cho rằng mục tiêu giảm lãi suất mà Việt Nam đề ra có nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp lại. Theo lý giải của chuyên gia này, rất khó để nền kinh tế Việt Nam giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các NHTM có thể sẽ phải cân nhắc điều chỉnh tăng lãi suất VND. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước sẽ khó huy động được ở mức lãi suất thấp như vừa qua. Khi đó, các NHTM càng khó để giảm lãi suất.

Lo ngại lãi suất tăng là có cơ sở. Nhưng chuyên gia này cho rằng cũng cần nhìn nhận thực tế. Đó là ngay sau khi Fed có thông báo tăng lãi suất cơ bản USD, tại thị trường trong nước giá USD có tăng nhưng cũng thận trọng, không thấy tâm lý xáo trộn dù giá vàng thế giới lao dốc mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 15/12, giá mua bán đồng USD tại các NH chỉ tăng thêm 10 - 50 đồng. Sáng 16/12, một số NH cũng chỉ tăng nhẹ giá mua - bán thêm 5 - 30 đồng. Giá bán phổ biến quanh mức 22.780 đồng/USD, giá mua vào từ 22.670 - 22.710 đồng/USD.

Chỉ số chứng khoán ở hai sàn giao dịch của Việt Nam đều tăng. Điều này một lần nữa cho thấy việc điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN thực hiện từ đầu năm ngày càng phát huy hiệu quả. Vị thế của tiền đồng dần được nâng cao, niềm tin vào giá trị đồng tiền quốc gia trong dân cư cũng vì thế mà được củng cố thêm.

Dự trữ ngoại hối của nước ta cũng đang ở mức khá cao - trên 40 tỷ USD - có đủ nguồn lực can thiệp khi cần thiết. NHNN vẫn kiên trì và nhất quán với mục tiêu chống đô la hoá nền kinh tế, chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán...

Tỷ giá chịu tác động từ những rung lắc của thị trường là điều dễ hiểu, song còn phụ thuộc phần lớn vào chính sách điều hành của NHNN. Áp lực từ tỷ giá tác động lên điều kiện giảm lãi suất không phải không có, nhưng tại thời điểm này là chưa lớn để có thể thay đổi cục diện mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên