Mặt bằng trung tâm vẫn ế ẩm
Giá cho thuê quá cao, chủ nhà thiếu thiện chí là những rào cản hiện tại khiến nhiều mặt bằng cho thuê ở trung tâm TP HCM "ai đến xem xong đều bỏ đi".
- 25-04-2021Thị trường mặt bằng cho thuê TP.HCM: Sự dịch chuyển từ trung tâm về vùng ven
- 14-01-2021Mặt bằng bán lẻ Tp.HCM khan hiếm nguồn cung ở khu trung tâm
- 04-12-2020Mặt bằng cho thuê kinh doanh ở trung tâm Tp.HCM vẫn "ế khách", tình hình khó lường
Trong khi hoạt động cho thuê ở các khu vực rìa trung tâm TP HCM (Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú...) đang dần hồi phục, thậm chí một số nơi đã khá sôi động sau 2 năm đại dịch thì những mặt bằng đắc địa tại nhiều tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 vẫn trong tình trạng ế ẩm, đóng cửa kéo dài.
Giảm giá nhưng vẫn cao
Khảo sát một số tuyến đường trung tâm quận 1 và quận 3 như: Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn, Trần Quang Khải, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần..., chúng tôi đếm có đến hàng trăm mặt bằng đang dán bảng cho thuê nhiều tháng, thậm chí gần 2 năm, vẫn còn giữ nguyên, chưa có khách. Tham khảo giá một vài địa điểm giảm nhẹ so với năm ngoái, chủ nhà cũng thiện chí, ai gọi cũng năn nỉ "cứ ghé coi, sẽ thương lượng"… Tuy nhiên, cũng có một vài căn, người có nhu cầu thuê chỉ liên lạc với người môi giới và họ khẳng định: "Chủ nhà không chịu hạ giá".
Trong vai người thuê mặt bằng để kinh doanh, phóng viên liên hệ theo số điện thoại dán trước cửa căn nhà 1 trệt 2 tầng ở góc đường Ngô Đức Kế - Đồng Khởi (quận 1) thì được báo giá thuê 1 tháng 18.000 USD (tương đương 400 triệu đồng) không bớt. Anh T., nhân viên giữ xe ở gần đó, cho biết căn nhà này đã treo bảng cho thuê từ rất lâu nhưng vì giá cao quá nên ai tới xem xong đều bỏ đi.
"Nghe đâu chủ căn nhà là một nữ đại gia có tiếng nên một đồng cũng không bớt" - anh T. chia sẻ và cho biết nếu muốn thuê giá "mềm" hơn một chút thì có thể đi tới thêm vài căn nữa.
Dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi, giá thuê của những căn gần đó cũng không hề rẻ, như căn nhà mặt tiền đường Ngô Đức Kế có diện tích sàn 4 x 20 m, gồm một trệt một lầu được rao giá 9.000 USD/tháng (gần 200 triệu đồng). Một căn khác có diện tích lớn hơn gấp đôi, một trệt 3 lầu được cho thuê với giá 25.000 USD/tháng (hơn 570 triệu đồng).
"Muốn rẻ thì anh chị bước qua góc bên kia đường Hồ Tùng Mậu, như căn nhà trệt diện tích 4 x 30 m giá thuê tầm 140 triệu đồng/tháng. Còn căn có lầu thì khoảng 200 triệu đồng/tháng" - anh K., chuyên môi giới thuê mặt bằng khu vực này, cho biết.
Hàng loạt mặt bằng cho thuê xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) vẫn đìu hiu Ảnh: TẤN THẠNH
Theo anh K., hầu hết những mặt bằng cho thuê xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ đều đã giảm từ 1.000 - 2.000 USD/tháng so với trước nhưng vẫn khó tìm được khách vì giá vẫn rất cao so với thị trường chung. Một số mặt bằng to đẹp nhưng vì chủ nhà thuộc dạng có tiền nên không chịu giảm giá.
"Họ chấp nhận treo bảng cả năm, ai chịu thì thuê chứ họ không hạ giá. Người hỏi thì nhiều chứ không ai dám thuê vì trong tình hình hiện nay, buôn bán cỡ nào cũng không bù nổi tiền nhà" - anh K. nói.
Một số môi giới mặt bằng cho thuê còn cho hay từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động kinh doanh nhiều nơi có dấu hiệu khởi sắc, các hoạt động du lịch, ẩm thực sôi động hơn, đặc biệt là việc Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế từ ngày 15-3, nhiều chủ mặt bằng không những không giảm giá cho thuê mà còn có ý định nâng giá để đón đầu nhu cầu.
Anh Tân, một môi giới chuyên nghiệp ở khu vực quận 1, chỉ cho chúng tôi xem căn nhà 5 x 30 m, một trệt một lầu ở đường Hồ Tùng Mậu trước dịch cho thuê với giá 7.500 USD/tháng. Dịch bệnh khó khăn, khách thuê trả mặt bằng nên chủ nhà quyết định hạ giá 6.000 USD/tháng nhưng cả năm vẫn không tìm được khách mới. Gần đây, anh tìm được khách đồng ý thuê để làm văn phòng công ty và trưng bày sản phẩm thì chủ nhà lại lên giá 6.500 USD/tháng và đặt thêm điều kiện phải ký hợp đồng thuê 5 năm. Khách hàng thấy khó quá nên đành bỏ đi.
Xu hướng kinh doanh đang thay đổi
Một chuyên gia bất động sản cho rằng sau đại dịch, các hoạt động kinh doanh ăn uống (F&B), giải trí, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ vẫn rất khó khăn. Nhiều người thua lỗ quá lớn, thậm chí trắng tay sau đại dịch nên họ có xu hướng thu hẹp các hoạt động kinh doanh, chọn thuê những mặt bằng nhỏ hẹp hoặc xa trung tâm để giảm chi phí. Thậm chí, nhiều đơn vị chọn cách đầu tư mạnh vào công nghệ, ứng dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng thay vì quan tâm tới mặt bằng rộng, đẹp, đắt đỏ như trước nữa. Điều này lý giải vì sao mặt bằng cho thuê ở các quận trung tâm TP HCM đến thời điểm này vẫn ảm đạm.
Ông Trần Khải Minh Nhật - chuyên gia đào tạo, tư vấn và phát triển dự án ngành F&B - nhấn mạnh đã qua cái thời người kinh doanh đổ hàng đống tiền vào khu trung tâm để "chứng tỏ đẳng cấp" hoặc dùng vị trí tốt để làm thương hiệu. Bởi sau 2 năm đại dịch, những người kinh doanh mảng F&B đã bớt "mơ mộng", họ có xu hướng chọn những mặt bằng với chi phí thấp hơn, dành tiền để làm thương hiệu, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. "Cái nhìn của các nhà đầu tư dần thay đổi bởi sự thay đổi hành vi của khách hàng. Chúng ta sẽ thấy các khu trung tâm sẽ dịch chuyển từ F&B qua các ngành hàng xa xỉ nhiều hơn..." - ông Nhật nhận định.
Theo ông Nhật, thời gian tới, xu hướng kinh doanh mảng F&B sẽ tập trung 3 nhóm chính. Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bám các ý tưởng "Street Food" (ẩm thực đường phố) bởi sự đơn giản, tinh gọn, an toàn và đáp ứng cho số đông khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế sau dịch. Thứ hai, xu hướng phát triển chuỗi, với hệ thống quản trị chuyên nghiệp, tinh gọn, được đóng gói quy trình vận hành tốt, làm thương hiệu bài bản, tối ưu vận hành nhờ công cụ số hóa... để bán thương quyền. Cuối cùng là một số ý tưởng chuẩn mực sẽ xuất hiện để trám chỗ cho các mô hình "thùng rỗng kêu to" đã thoái trào. "Cụm từ "nhà hàng" sẽ được trả lại giá trị thật của nó, sang trọng và chuẩn mực, nhân sự có chuyên môn cao nhằm hút tầng lớp khách hàng cao cấp" - ông Nhật nói thêm.
Người lao động