MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất dấu vết dòng tiền - Bất cập trong xử lý tội phạm trên không gian mạng

23-07-2022 - 07:44 AM | Kinh tế số

Hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản của nhiều người đã bị những kẻ lừa đảo tấn công chiếm đoạt trên không gian mạng. Ảnh minh họa.

Hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản của nhiều người đã bị những kẻ lừa đảo tấn công chiếm đoạt trên không gian mạng. Ảnh minh họa.

Hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản của nhiều người đã bị những kẻ lừa đảo tấn công chiếm đoạt trên không gian mạng nhưng khả năng thu hồi để trả lại cho bị hại là rất thấp.

Những đối tượng lừa đảo liên tục có những thủ đoạn khác nhau và ngày càng tinh vi trong việc điều hướng đường đi của dòng tiền, hòng chiếm đoạt và trốn tránh cơ quan điều tra.

Ngay sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng, anh Lê Anh Tuấn (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đã tìm hiểu và phát hiện số tiền của mình được chuyển sang nhiều tài khoản khác nhau.

"Khi bị phát hiện bị lừa chúng tôi lập tức liên hệ với ngân hàng . Ngân hàng đã yêu cầu chúng tôi phải có cơ quan công an mới vào cuộc được. Tuy nhiên sự phối hợp giữa công an và ngân hàng phải mất thời gian rất nhiều", anh Tuấn cho hay.

Theo cơ quan công an, nhiều vụ việc tương tự như trên, thủ đoạn thường gặp cúa các nhóm lừa đảo là chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản để tẩu tán. Tuy nhiên, việc này rất khó để ngăn chặn.

Trung tá Lê Văn Dĩnh - Phó trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: "Về tài khoản cá nhân, cơ quan chúng tôi muốn phong tỏa phải thực hiện một số thủ tục nhất định, rất bất cập trong thời gian chờ đợi. Nếu người bị hại chuyển tiền cho đối tượng, đối tượng lại chuyện vào các tài khoản khác khi chúng tôi có văn bản đến nơi thì các đối tượng đã chuyển tiền đi".

"Trước đây khi các đối tượng phạm tội sau khi chiếm đoạt tài sản thường tiến hành rút tiền tại các cây ATM, hoặc thuê người chủ tài khoản đã đăng ký đi ra rút tiền nhưng nay các đối tượng đã dùng tiền chiếm đoạt để chơi tiền điện tử trên mạng, khiến cho cơ quan chức năng không có căn cứ truy nguồn gốc số tiền và nguồn gốc phạm tội", Thiếu tá Bùi Quang Tùng - Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho hay.

Chưa kể nhóm tội phạm thường sử dụng các loại tài khoản không chính chủ, tài khoản ngân hàng làm từ những giấy tờ giả mạo, thậm chí còn mua tài khoản từ các cá nhân, học sinh, sinh viên với giá vài trăm ngàn để giao dịch khiến quá trình điều tra càng khó khăn hơn.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, cần có các chế tài xử lý mạnh hơn với hành vi mua bán, cho mượn tài khoản gây thiệt hại cho người khác và coi đây là hành vi tiếp tay cho lừa đảo. Cùng với đó phía ngân hàng cần phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm định, kiểm soát việc mở tài khoản và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan điều tra.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên