Mặt tối của nền kinh tế chia sẻ: Uber & Grab tăng kẹt xe, Airbnb đuổi người thuê ra đường
Trên lý thuyết, các mô hình startup chia sẻ sẽ tối ưu hóa nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Nhưng trên thực tế, sự phát triển vũ bão và cách sử dụng “chuyên nghiệp” đã biến người chạy Uber & Grab thành những tài xế toàn thời gian và chủ nhà Airbnb trở thành những chủ khách sạn đích thực.
- 13-08-2017Đừng lạm dụng thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” nữa, những gì mà các startup Trung Quốc đang làm chỉ tạo ra “nền kinh tế cho thuê" thôi!
- 23-06-2017Đóng cửa công ty vì mất 90% xe đạp chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh "nền kinh tế chia sẻ" khổng lồ tại Trung Quốc
- 16-06-2015Những con số "biết nói" về nền kinh tế chia sẻ
Uber và các ứng dụng gọi xe: Nguyên nhân kẹt xe thành thị
Với tham vọng tối ưu hóa lượng xe nhàn rỗi, Uber, Lyft, Grab và những ứng dụng gọi xe tương tự luôn bắt đầu bằng lời hứa sẽ giảm lượng xe lưu thông trong nội đô. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã cho thấy kết quả hoàn toàn ngược lại: Các ứng dụng gọi xe đang kéo người dùng ra khỏi các phương tiện giao thông công cộng hoặc khuyến khích họ bắt xe thay vì đi bộ một quãng đường ngắn như trước.
Theo báo cáo của Viện Giao thông Vận tải thuộc Đại học California, số lượng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường đang dần dần giảm sút, thay vào đó là số lượng xe chạy toàn thời gian qua ứng dụng tăng vọt.
Và theo một cuộc khảo sát tại 7 thành phố lớn nhất Hoa Kỳ, hơn một nửa số người từng đi bộ, đạp xe, sử dụng phương tiện công cộng hoặc thậm chí không có nhu cầu đi lại đã quyết định sử dụng Uber bởi vì tính tiện dụng của nó. Đồng thời số lượng người sử dụng phương tiện vận tải công cộng đã giảm gần 6% sau khi các ứng dụng gọi xe ra đời.
"Các ứng dụng gọi xe đang góp phần tăng số lượng xe chạy trong các thành phố lớn." các nhà nghiên cứu kết luận.
Và kết quả này cũng không có gì quá ngạc nhiên: "Khi chất lượng dịch vụ tăng, đồng thời chi phí lại giảm, nhu cầu sử dụng dịch vụ gọi xe sẽ tăng cao và khách hàng sẽ quyết định sử dụng Uber cho những việc mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ đến," theo Assaf Biderman, CEO công ty Superpedestrian.
Vào tháng 7 năm 2017, nhà báo khoa học Biderman và đồng nghiệp Carlo Ratti đã đưa ra dự đoán của mình về tương lai vận tải hành khách: "Chi phí sử dụng dịch vụ gọi xe cá nhân sẽ giảm đến mức mà người dân quyết định từ bỏ phương tiện công cộng, điều đó sẽ dẫn đến số lượng xe trong khu vực đô thị tăng, và đồng thời các điểm tắc nghẽn cũng tăng lên."
Một khảo sát từ 994 người sử dụng dịch vụ gọi xe trong cuối năm 2017 tại Boston còn chỉ ra rằng, 6 trong tổng số 10 người sử dụng ứng dụng gọi xe thay vì dịch vụ công cộng, đạp xe và đi bộ, tất cả chỉ vì nó tiện lợi.
Airbnb: Tác nhân tăng giá nhà và ép các người thuê lâu năm ra đường
Điển hình cho tác hại của startup chia sẻ chỗ ở Airbnb là tại Australia, quốc gia có hơn 115.000 phòng và nhà được đăng tải.
Các số liệu gần đây cho thấy chủ nhà đang ưu tiên đăng tải bất động sản của mình lên Airbnb thay vì tiếp tục cho những người thuê cũ sử dụng vì khoản tiền béo bở mà khách du lịch sẵn sàng trả.
Theo Đại học New South Wales, hơn 60% trong tổng số 20.000 tin đăng trên Airbnb tại Sydney là nhà nguyên căn, nơi mà các người thuê lâu năm có thể đã sinh sống.
Báo cáo này còn đưa ra thêm các lo ngại về thị trường nhà ở có giá phải chăng cho dân địa phương đang dần dần bị thu hẹp. "Các ứng dụng công nghệ mới này trước mắt luôn đem lại những điều tốt đẹp, nhưng sau đó là những mặt tối ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội."
"Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia, Airbnb và những ứng dụng tương tự đang ngày một phá hủy thị trường nhà cho thuê giá rẻ tại đây."
Không những các khu vực trung tâm phải hứng chịu thiệt hại, người dân tại các khu vực du lịch như Byron Bay còn chịu những áp lực nặng nề hơn khi giá thuê liên tục tăng cao khiến họ không thể chi trả cho những căn nhà đã ở bấy lâu nay.
"Thực tế là không còn một chỗ thuê nào có giá hợp lý nữa." Paul Spooner, một người dân trong khu vực nói trên kênh ABC.
"Giá thị trường bất động sản cho thuê tăng một cách điên cuồng, và Airbnb đã biến không ít các khu vực từng là nhà thuê lâu năm trở thành khách sạn."
Paul còn cho rằng nền văn hóa của khu vực đang dần dần bị phai nhạt bởi sự xuất hiện của Airbnb.
"Du khách đến với Byron không chỉ vì những bãi biển đẹp và các vạt rừng nguyên sinh, họ đến đây còn để tương tác với cộng đồng cư dân đa dạng trong khu vực."
Và sự bùng nổ của "công nghệ book phòng" đã khiến những người như anh Paul không thể nào ký được hợp đồng thuê nhà trên 12 tháng.
Cũng như vậy, bà Ilona Harker một người thuê nhà lâu năm đã buộc phải sống trên xe hơi của mình. Không những thế, bà còn được "lệnh" phải dọn đi vào đúng dịp Giáng sinh để dọn đường cho các du khách mùa lễ hội.
"Như nhiều căn nhà thuê trong khu vực, tôi khá chắc chắn là mình đã bị thế bằng Airbnb, tôi và ba người bạn sống chung đã phải dọn đi trước dịp Giáng sinh."
Bà còn cho rằng rất nhiều người khác cũng bị đuổi ra khỏi nhà trước các dịp lễ lớn. "Một số người thuê lại nhà, trang trí rồi lại tiếp tục đăng thuê trên Airbnb."
"Các chủ nhà hiện nay sẵn lòng cho khách du lịch thuê hơn là người dân bản địa thuê."
Với sự bành trướng và sử dụng "chuyên nghiệp" hiện nay, chắc hẳn ai cũng băn khoăn rằng liệu các mô hình chia sẻ này còn thật sự "chia sẻ" hay không.
Trí thức trẻ