MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trận mới trong thương chiến Mỹ - Trung?

06-08-2019 - 09:27 AM | Tài chính quốc tế

Phá giá nhân dân tệ có thể là một trong những biện pháp trả đũa Washington của Bắc Kinh nhưng đi cùng với nó là không ít rủi ro.

Trung Quốc đang phát đi tín hiệu họ sẵn sàng đáp trả động thái thuế quan mới nhất được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tuần rồi. Trong diễn biến đáng chú ý và gây lo lắng, đồng nhân dân tệ (NDT) hôm 5-8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2008 (7,0352 nhân dân tệ đổi 1 USD). Theo Reuters, điều này làm dấy lên nỗi lo Bắc Kinh có thể sử dụng phá giá NDT như vũ khí trong cuộc đối đầu thương mại hiện nay với Washington, từ đó khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ.

"Rõ ràng đây là một hành động trả đũa mà Trung Quốc đã cố gắng tránh sử dụng" - ông Claudio Piron, nhà nghiên cứu tại Công ty Bank of America Merrill Lynch (Mỹ), nhận định với đài CNBC.

Sự sụt giảm trên diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỉ giá tham chiếu hằng ngày ở mức 6,9225 NDT đổi 1 USD (thấp nhất kể từ tháng 12-2018) trước khi thị trường mở cửa hôm 5-8. PBOC quy trách nhiệm sự sụt giảm trên cho "chủ nghĩa đơn phương và các biện pháp bảo hộ thương mại", có ý nhằm vào thông báo áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1-9 của ông chủ Nhà Trắng.

Các nhà phân tích dự báo NDT tiếp tục suy yếu giữa lúc thương chiến leo thang khiến Bắc Kinh không có nhiều lý do duy trì sự ổn định của đồng nội tệ. "Việc ông Trump tăng thuế quan dường như báo hiệu sự trở lại của những động thái ăn miếng trả miếng và sự ngưng trệ của đàm phán thương mại. PBOC nhận thấy không cần giữ NDT ổn định trong ngắn hạn" - ông Ken Cheung, chuyên gia của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), nhận xét với trang Bloomberg.

Mặt trận mới trong thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Các thị trường chứng khoán khắp châu Á, trong đó có Nhật Bản, lao dốc hôm 5-8 giữa lúc nhà đầu tư ngày càng lo lắng về sự kéo dài của thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Phá giá NDT có thể là một trong những biện pháp trả đũa Mỹ của Trung Quốc nhưng đi cùng với nó là không ít rủi ro. Một số nhà phân tích cảnh báo động thái này sẽ làm dấy lên nỗi lo dòng vốn chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong lúc đe dọa làm gián đoạn nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Chuyên gia Gaurav Garg của Ngân hàng Citigroup (Mỹ) nhận định việc Trung Quốc vũ khí hóa tỉ giá, nếu có, đe dọa làm phức tạp hơn nữa quá trình đàm phán thương mại với Mỹ và dẫn đến các biện pháp trả đũa mới từ Washington.

"Nhà chức trách Mỹ lâu nay vẫn tỏ ra nhạy cảm đối với các bước đi liên quan đến tiền tệ. Họ không ít lần nhấn mạnh sự ổn định tiền tệ là một phần quan trọng trong thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc" - ông Garg cho biết.

Phản ứng giận dữ của Washington là điều khó tránh, nhất là khi Tổng thống Trump lâu nay cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế thương mại. Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh tiền tệ thời gian tới nếu NDT tiếp tục rớt giá. Theo phàn nàn của Mỹ, đồng NDT suy yếu giúp giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi bán ra các thị trường nước ngoài, từ đó có lợi thế cạnh tranh không công bằng và làm tăng thặng dư thương mại của Bắc Kinh. Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 5 không gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nhưng cho biết vẫn đang theo dõi sát sao các bước đi của Bắc Kinh.

Hiện vẫn còn quá sớm để biết liệu chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung có xảy ra hay không. Trước mắt, theo trang Bloomberg, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty nhà nước ngưng nhập khẩu nông sản Mỹ sau khi căng thẳng thương mại song phương gia tăng. Các công ty nông nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đã ngưng mua nông sản Mỹ và chờ xem đàm phán thương mại tiến triển ra sao.

Đây được xem là bước đi dễ hiểu bởi số lượng lớn nông sản nhập khẩu là một trong những đòn bẩy đáng kể của Bắc Kinh trong mối quan hệ thương mại với Washington. Biện pháp trên chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mỹ vốn được xem là lực lượng ủng hộ trung thành ông Donald Trump - chuyên gia Darin Friedrichs của Công ty Dịch vụ tài chính Intl Fcstone (Mỹ) giải thích với Bloomberg. Trước khi công bố đòn thuế mới nhất nói trên, Tổng thống Donald Trump phàn nàn rằng Trung Quốc không mua nông sản Mỹ với số lượng lớn mà ông nói là Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa khi hai bên gặp nhau tại TP Osaka - Nhật Bản hồi cuối tháng 6.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Trở lên trên