MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mấu chốt tranh cãi nảy lửa tại Eximbank chỉ xoay quanh 2 con số

02-06-2016 - 12:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Gần một năm trở lại đây, sự bất hòa tại Eximbank nổ ra ngày càng lớn và công khai. Điều đáng buồn là họ không tranh cãi về đường lối kinh doanh mà lại là sự tranh giành những chiếc ghế đầy quyền lực...

Eximbank là ngân hàng có uy tín và thương hiệu trên thị trường tài chính, song những năm gần đây lại có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tăng, nhân sự cấp cao biến động liên tục.

Hai con số: 9 hay 11?

Một năm trở lại đây, sự bất hòa tại Eximbank nổ ra ngày càng lớn và công khai. Điều đáng buồn là họ không tranh cãi về phương án quản trị, về kế sách đưa ngân hàng trở lại quy đạo dẫn đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần, là làm thế nào để giúp cổ đông nhận cổ tức. Tất cả những điều ấy đều trở nên lu mờ tại các cuộc họp cổ đông.

Mà họ tranh cãi về... những chiếc ghế đầy quyền lực và hai con số 9 hay 11 trong Hội đồng quản trị.

Xét về bản chất, thành viên HĐQT cũng là người làm thuê cho các cổ đông nhằm bảo vệ lợi ích tối cao của ngân hàng. Song chính vì vị trí của những chiếc ghế này mà các nhóm cổ đông lớn tranh cãi quyết liệt, cuộc tranh giành các vị trí cấp cao, khiến cho hình ảnh của Eximbank ngày càng xấu hơn, gây lãng phí thời gian tiền bạc của cổ đông và ngân hàng.

Tại Đại hội mới đây, ông Đặng Phước Dừa - nguyên thành viên HĐQT của Eximbank, cũng là một cổ đông của Eximbank đã bất bình: “Tôi đề nghị bãi nhiệm 9 thành viên HĐQT hiện tại vì cách hành xử của chủ tọa đoàn không tôn trọng cổ đông”.

Lý giải điều này, ông Dừa cho biết, ngày 15/12/2015, nghị quyết của ĐHCĐ bất thường đã quy định HĐQT có tối đa là 11 thành viên, Điều lệ của Eximbank cũng ghi rõ tối đa là 11 thành viên, nhưng HĐQT đã làm theo đề nghị chỉ có 9 thành viên là tối đa và ra tờ trình bắt cổ đông lựa chọn 9 hay 11 thành viên. Việc nghị quyết của HĐQT hiện tại cao hơn nghị quyết của ĐHCĐ bất thường năm 2015 là có đúng luật? Ông Dừa cũng khẳng định, nhiều cổ đông không tín nhiệm HĐQT đương thời nên mới dẫn đến một đại hội lộn xộn như vậy.

Các cổ đông khác cũng cho biết sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước can thiệp để bầu thành viên HĐQT đúng như nghị quyết đại hội đồng cổ đông tháng 12-2015 là số lượng thành viên HĐQT Eximbank 11 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập chứ không chấp nhận “tối đa 9 hoặc 11 thành viên” như nghị quyết của HĐQT Eximbank.

Vào HĐQT nhằm phục vụ “sân sau”?

HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) hiện tại có đến 2 người đến từ Công ty Âu Lạc gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng. Trong đó, ông Lê Minh Quốc đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Chính vì vậy, một luồng dư luận đang cho rằng HĐQT đương nhiệm của Eximbank “ngăn cản” không muốn tăng thêm thành viên để hỗ trợ công ty “sân sau” của mình - Công ty Âu Lạc.

Công ty Âu Lạc được thành lập từ ngày 4/9/2002 với các hoạt động chính là kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, ven biển và viễn dương; dịch vụ hàng hải - kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải biển, hoạt động của các đại lý làm thủ tục hải quan và các hoạt động khác có liên quan.

Công ty Âu Lạc không có một cổ phiếu nào của Eximbank và Eximbank không có sở hữu một cổ phần nào của Âu Lạc.

Trước những tin đồn này, trả lời báo chí, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết: "Trong trường hợp của tôi, không có bất kỳ một sân sau nào và không có bất kỳ một lợi ích nào tại Eximbank. Tôi mong Ban Kiểm soát, các cán bộ ngân hàng giám sát chặt chẽ và nêu cụ thể nếu phát hiện được bất kỳ “sân sau” nào của tôi, để tránh những đồn thổi một cách ác ý, cản trở quá trình cải cách mà các thành viên HĐQT khác đang nỗ lực tiến hành".

Trong khi đó, một luồng ý kiến khác quan ngại việc Nam A Bank sẽ thâu tóm Eximbank như thông tin xuất hiện trên thị trường thời gian qua. Sự quan ngại này dựa trên cơ sở bà Nguyễn Thị Xuân Loan (đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% vốn cổ phần Eximbank), nguyên là Chủ tịch HĐQT Nam A Bank ứng cử thành viên HĐQT.

Trong khi các phe phái còn đang hết sức quyết liệt, thậm chí đề xuất lên NHNN để nhờ can thiệp thì những cổ đông nhỏ lẻ lại là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một cổ đông lớn tuổi đã rất buồn bực và thốt lên rằng: "9 hay 11 người trong HĐQT cũng được, chúng tôi già cả rồi chỉ quan tâm bao giờ ngân hàng ổn định và vực dậy kết quả tài chính, trả cổ tức cho chúng tôi".

Theo đánh giá của giới quan sát, nỗi niềm của cổ đông nhiều tuổi nói trên cũng sẽ là câu hỏi mà những cổ đông trung thành của ngân hàng trông mong nhất trong năm nay, chứ không phải là câu chuyện có bao nhiêu chiếc ghế trong HĐQT. Dư luận không khỏi kỳ vọng bao giờ các nhóm cổ đông lớn thôi căng thẳng để trả lại bình yên cho Eximbank cũng như thực sự tập trung vào hoạt động vì ngân hàng, vì cả lợi ích của đại đa số cổ đông.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, đã đến lúc các nhóm cổ đông lớn của Eximbank phải cùng ngồi lại mà thương thảo cho thấu đáo vấn đề. Nếu không, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đứng ra can thiệp.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên