Màu hồng của nghề tín dụng đã là dĩ vãng, nay muốn thành công bạn phải là những chiến binh quả cảm
Nhân sự, kế toán, marketing, giao dịch viên hay thanh toán quốc tế..., công việc dù mất nhiều thời gian nhưng khi về nhà bạn có thể hoàn toàn thoát khỏi công việc. Còn làm tín dụng thì ngược lại, chỉ cần một món vay nhỏ có phát sinh vấn đề sẽ làm bạn phải lo lắng đến mất ngủ
- 14-09-2017Nghề tín dụng – Đừng bỏ cuộc khi chỉ mới bắt đầu!
- 13-09-2017Những điều trân quý trong đời làm giao dịch viên ngân hàng
- 12-09-2017Được và mất sau hành trình 13 năm thăng trầm cùng ngân hàng
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Quang Mạnh đến từ ngân hàng MaritimeBank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
---------------------------
Vào một buổi chiều, sau khi đã telesales cả trăm cuộc gọi trong danh sách được giao nhưng không đặt được hẹn với khách hàng nào, chưa kịp thất vọng và chán nản thì Sếp lại hỏi :
Sao, có được khách hàng nào không ?
Dạ, dạ em chỉ hẹn được 1 khách hàng lát đi gặp luôn ạ.
Chỉ được một khách thôi à, có cần anh đi cùng không ?
Dạ thôi, em chỉ qua tư vấn một lát rồi về ạ.
Tôi lấy xe đi vất vưởng dọc mấy tuyến phố kinh doanh chỉ để xua tan cảm giác chán nản và mất định hướng khi không biết tìm khách hàng ở đâu....
Đó là chỉ là một trong rất nhiều khoảnh khắc khi tôi mới bắt đầu vào làm nghề nhân viên tín dụng. Khác với những màu hồng như nhiều người suy nghĩ về Nghề tín dụng, nào là công việc nhàn hạ, ngồi máy lạnh cả ngày, dễ kiếm tiền, rất sang chảnh và rất oai. Đúng, đó là hình ảnh của nhân viên tín dụng cách đây cả chục năm về trước. Nhưng bây giờ đã khác hoàn toàn, nếu không muốn nói là đảo lộn tất cả.
Tín dụng là cho vay, là đem tiền của Ngân hàng cho khách hàng vay và thu lãi trên phần vốn cho vay ấy. Nghe thì rất dễ, nhưng chỉ những người đã dấn thân vào nghề này mới hiểu rõ tín dụng là một nghề khó, thậm chí rất khó!
Cũng là làm ngân hàng nhưng nếu làm Nhân sự, kế toán, giao dịch viên, marketing hay thanh toán quốc tế..., công việc dù mất nhiều thời gian nhưng khi về nhà, bạn có thể hoàn toàn thoát khỏi công việc, chẳng phải bận tâm gì. Làm tín dụng thì ngược lại, chỉ cần một món vay nhỏ có phát sinh vấn đề sẽ làm bạn phải lo lắng đến mất ngủ. Và một hợp đồng tín dụng, một khoản vay lỡ ký sai là có thể đánh đổi bằng cả cuộc đời. Có người chỉ vì một một chút sơ sót trong nghề nghiệp, một phút lơ đễnh khi trình duyệt, có người 1 giây nao núng trước cám dỗ đồng tiền- họ phải đối mặt với vòng lao lý.
Làm nghề tín dụng phải đi đúng từng bước một, chỉ cần sai một mắt xích sẽ dẫn đến một chuỗi công việc có vấn đề.
Chu trình một cán bộ tín dụng phải trải qua cho mỗi khoản vay
Với những trải nghiệm của bản thân, tôi muốn chia sẻ với những người chuẩn bị hoặc mới vào nghề này những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được.
Theo tôi, làm tín dụng phải hội tụ được 5 yếu tố. Đầu tiên là phải có đầy đủ các kỹ năng về giao tiếp, trình bày, thuyết phục, đàm phán, lập kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu rồi xây dựng mối quan hệ, tư duy, tính toán, xử lý tình huống…Thứ hai là kỹ năng nghiệp vụ giỏi tức là phải hiểu, thuộc các quy trình cho vay cũng như thuộc các luật, quy định của ngân hàng mình, bên cạnh việc có khả năng đánh giá, chọn lọc khách hàng tốt. Thứ ba là phải có quan hệ nội bộ tốt vì khi kiếm được khách hàng về, trình hồ sơ chỉ là bước đầu, nhưng để từ khi bạn trình hồ sơ cho đến khi giải ngân được tiền cho khách hàng phải trải qua rất nhiều phòng ban nội bộ, ở mỗi khâu đều có những chức năng nhiệm vụ khác nhau…Thứ tư là luôn duy trì được thái độ tích cực trong mọi hoàn cảnh, luôn luôn học hỏi, thay đổi và chủ động trong công việc để thích nghi và tăng tính cạnh tranh, hiệu quả. Yếu tố cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất là phải trung thực và có đạo đức nghề nghiệp.
5 yếu tố nhìn thì đơn giản nhưng áp dụng trong thực tế lại vô cùng khó khăn. Những áp lực công việc khiến nhân viên tín dụng luôn ám ảnh bởi rủi ro luôn rình rập bất cứ lúc nào, đòi hỏi bạn phải luôn là một chiến binh quả cảm.
Và một khi đã hội tụ đủ 5 yếu tố ấy, bạn chắc chắn là một cán bộ tín dụng giỏi, một người thành công với nghề. Song dẫu có được như thế cũng đừng vội chủ quan, niềm vui của một cán bộ tín dụng giải ngân xuất sắc sẽ khó trọn vẹn nếu chẳng may khoản vay ấy rơi vào tình trạng quá hạn vì bất cứ lý do gì, lúc này người làm tín dụng lại phải tiếp tục chạy theo một quy trình mới với khách hàng cũ đó là thu nợ rồi xử lý tài sản....
“Alo, anh Huy ơi, em là Mạnh gọi cho anh từ Ngân hàng MaritimeBank. Em có 3 thông tin rất mới muốn chia sẻ với anh….”
Một ngày mới lại bắt đầu của người làm tín dụng….