MBS: FE Credit sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường nhưng tín dụng tiêu dùng có thể gây mất kiểm soát nợ xấu cho VPBank
Theo phân tích của MBS, NIM của VPBank có thể lên mức cao nhất đạt 9,42% năm 2018, lợi nhuận ròng đạt 8.303 tỷ đồng, tăng 29%. Tuy nhiên, nợ xấu nhiều khả năng tiếp tục tăng trong các năm tới, theo đó tỷ lệ trích lập dự phòng có thể tăng và khả năng ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong dài hạn.
Công ty cổ phần chứng khoản MB (MBS) vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB).
NIM được kỳ vọng tăng cao nhất trong năm 2018
Các chuyên gia phân tích từ MBS cho rằng, lợi suất từ thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hỗ trợ tích cực cải thiện NIM của VPBank lên 9,42% năm 2018. Với mức độ thâm nhập thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam khá thấp, sự thuận lợi của các quy định pháp lý hiện tại cũng như vị trí thống trị của FE Credit, VPBank có thể vẫn chiếm lĩnh thị trường ngách này trong ngắn hạn, đóng góp 27% vào tổng các khoản cho vay năm 2018 của ngân hàng (tăng 39% so với năm ngoái).
NIM có thể tiếp tục tăng thêm 0.55% nhờ vào việc lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng rất cao. Chi phí vốn vẫn không đổi nhờ vào việc lãi suất giảm nhẹ để kích cầu nền kinh tế và chi phí vốn thấp từ thị trường liên ngân hàng. Thêm vào đó, giảm tỷ trọng trái phiếu chính phủ trong danh mục đầu tư đồng thời gia tăng trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao hơn, từ đó tăng thu nhập lãi. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của VPB cũng đến từ đa dạng hóa các kênh cho vay (Cho vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, tín dụng tiêu dùng và CMB & CIB).
MBS cho rằng động lực cho tăng trưởng tín dụng của VPB sẽ không chỉ đến từ tăng trưởng tín dụng của FE Credit mà còn từ những kênh cho vay khác của ngân hàng mẹ. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở thị trường 1 sẽ tăng 26% vào năm 2018.
Tín dụng tiêu dùng có thể gây ra mất kiểm soát nợ xấu
MBS đưa ra 2 yếu tố rủi ro chính đối với VPBank. Thứ nhất, tăng trưởng tiêu dùng chậm lại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong dài hạn vì dự đoán tăng trưởng tín dụng của ngành sẽ kết thúc giai đoạn hồi phục vào năm 2019 và 2020. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam đã chững lại trong 3 năm gần đây, đạt trung bình ở mức 10%. Khi so sánh với những nước khác trong khu vực, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP của Việt Nam cao hơn, đạt 67% vào năm 2016.
Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VPBank đã vượt mức trần 3% và được dự đoán sẽ giữ ở mức cao như vậy, chủ yếu từ NPL của FE Credit cao. Trong khi trong giai đoạn năm 2015 đến 2017 đa số các ngân hàng trong ngành đều đặt mục tiêu giảm NPL trong tổng tài sản, NPL của VPB gia tăng cùng mức với những khoản vay tiêu dùng trong tổng tài sản. Với chiến lược năm 2018 là tiếp tục khai thác ngành rủi ro này, MBS cho rằng NPL của VPBank không có khả năng giảm trong năm 2018 và NPL dự phóng được dự báo vẫn giữ 3,3% trong đó NPL của ngân hàng mẹ giảm nhẹ đến 2,6% trong khi NPL của FE Credit tăng nhẹ đến 5,5% trong năm 2018.
Ngoài ra, tỷ lệ che phủ nợ xấu đang khá thấp, dẫn đến nguy cơ tăng trưởng đột biến chi phí dự phòng, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận. Tỷ lệ trích lập dự phòng/ nợ xấu (LLR), chỉ khoảng 50% những khoản nợ xấu trong các năm trước. Trong khi đó, ngân hàng mà có chất lượng tài sản tốt có LLR được duy trì xấp xỉ 90-100%. Do đó, LLR của VPBank được dự đoán có thể sẽ tăng trong năm 2018 đến mức 51,2% và lo ngại rằng ngân hàng sẽ phải tăng đột ngột chi phí trích lập và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của VPB trong dài hạn.
Theo dự đoán của MBS, ROEA của VPBank vẫn giữ vững ở mức 25% vào năm 2018 nhờ vào tốc độ tăng trưởng doanh thu hoạt động cao hơn so với tăng trưởng chi phí hoạt động, CIR giữ ở mức thấp nhất 34% trong khi doanh thu hoạt động tăng 33%. Ngân hàng đạt được ROEA ở mức cao 27,5% vào năm 2017, tăng từ mức 25,7% vào năm 2016, đây là tỷ lệ cao nhất trong toàn ngành trong suốt 2 năm liên tiếp.
Trí Thức Trẻ