MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MBS: “VN-Index tiếp tục kịch bản sideway, nhà đầu tư ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt”

MBS: “VN-Index tiếp tục kịch bản sideway, nhà đầu tư ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt”

MBS cho rằng trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem xét giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn cổ phiếu và việc chọn lọc danh mục cần kỹ càng hơn trước những thông tin mới từ KQKD và ĐHCĐ.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đã có những đánh giá về xu hướng TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong tuần trước, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm 2,67% trước ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm khi những lo ngại về mức tăng CPI tháng 3 hay áp lực bán ròng duy trì mạnh và kéo dài của nhóm NĐTNN. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất 2 tháng qua sau khi dao động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.165-1.195 điểm và đã có lúc chỉ số giảm về mức 1.137 điểm.

Mức sụt giảm về điểm số đã khiến áp lực bán gia tăng nhất là khi giao dịch còn nhiều trở ngại gây khó khăn và thanh khoản cũng chưa thể cải thiện. Thanh khoản thị trường tuần vừa qua cũng chỉ tăng nhẹ 1% so với tuần trước đó nhưng vẫn chưa vượt 14.000 tỷ đồng mặc dù tuần trước đó có đợt cơ cấu của 2 quỹ ETF. Như vậy, trong 8 tuần gần đây thanh khoản thị trường chỉ duy trì ổn định xung quanh ngưỡng bình quân 13.000 tỷ đồng/phiên so với ngưỡng 15.500 tỷ đồng trong tháng 1.

Dòng tiền không thể cải thiện và bị giới hạn, ở những phiên gần đây thị trường chủ yếu giao dịch trong phiên sáng và thanh khoản vì thế cũng chiếm phần lớn trong khoảng thời gian này. Đó cũng là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index liên tục dao động trong vùng tích lũy mặc dù đã có những thời điểm thị trường tiệm cận ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể bứt phá qua ngưỡng cản này.

MBS cho rằng việc thị trường đi ngang hơn 1 tháng qua cũng đã khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân có phần dao động, nhà đầu tư như đang phải thử sức bền trước thành trì 1.200 điểm, sau 4 tuần mua ròng liên tiếp đã quay trở lại bán ròng trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, mức giảm mạnh của thị trường trong tuần vừa qua đã có tác dụng lôi kéo dòng tiền từ khối nhà đầu tư tổ chức trong nước quay trở lại thị trường với lực mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Về phía NĐTNN, mạch bán ròng của khối ngoại tuy có giảm trong tuần vừa qua nhưng kể từ đầu năm cho tới nay, lượng bán ròng của khối ngoại đã gần bằng cả năm 2020 chỉ sau 13 tuần giao dịch là điều đáng chú ý. Theo thống kê trên sàn HSX, khối ngoại đã bán ròng gần 13.500 tỷ đồng, bằng 89% lượng bán ròng năm 2020 (15.200 tỷ đồng).

Theo MBS, nguyên nhân khối ngoại bán ròng có thể do việc cơ cấu lại các quỹ đầu tư cũ, họ bán các cổ phiếu niêm yết và đầu tư vào các chỉ số ETF mới. ETF Diamond hiện là chứng chỉ quỹ đang được khối ngoại mua ròng nhiều nhất gần 91 triệu USD kể từ đầu năm cho tới nay, trong khi quỹ E1VFVN30 và KIMINDEX là 2 quỹ bị rút ròng nhiều nhất, lần lượt 64,15 triệu USD và 63,91 triệu USD.

Một nguyên nhân khác có thể khiến khối ngoại bán ròng trong thời gian vừa qua là áp lực tăng mạnh trở lại của lợi suất trái phiếu chỉnh phủ 10 năm của Mỹ khiến tỷ giá của các thị trường mới nổi mất giá mạnh trong bối cảnh USD index đang có dầu hiệu tăng trở lại. Điều đó đã khiến áp lực rút vốn trên các thị trường mới nổi gia tăng rõ ràng nhất trong 2 tháng trở lại đây.

Ngoài ra, đồng KRW của Hàn Quốc bị mất giá 3,79% kể từ đầu năm so với Dollar Mỹ khiến áp lực rút vốn từ nhóm quỹ Hàn Quốc gia tăng và ro ràng nhất thể hiện qua quỹ Kim Index Vietnam VN30 ETF.

VN-Index tiếp tục kịch bản sideway, nhà đầu tư ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt

Về kỹ thuật, MBS đánh giá chỉ số VN-Index đã lui về cận dưới vùng tích lũy với ngưỡng hỗ trợ nơi có sự góp mặt của MA50 và Fibonacci Retracement 23,6% ở khu vực 1.150 – 1.155 điểm. Nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng tới nguy cơ thị trường có thể đánh mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cứng để giảm sâu hơn nếu không nhờ hiện tượng kéo trụ như VIC ở phiên giảm cuối tuần vừa qua. Việc chỉ số giảm sâu qua ngưỡng hỗ trợ rồi được kéo lên gần mức tham chiếu như ở phiên cuối tuần vừa qua giúp thị trường kiểm tra lại lực cầu bắt đáy giá thấp và đồng thời rũ bớt lượng hàng lỏng lẻo qua đó củng cố vùng hỗ trợ hiện tại.

Theo thống kê từ Bloomberg, tỷ lệ phần trăm số cổ phiếu trong rổ VN-Index nằm trên MA20 là 34,93%, và nằm trên MA50 là 60,81%. Điều đó cho thấy đa phần cổ phiếu đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn và xu hướng giảm có thể còn tiếp diễn.

Trong kịch bản tích cực, MBS cho rằng chỉ số VN-Index có thể phục hồi kỹ thuật trở lại và vượt MA20 quay trở lại vùng tích lũy trước đó xoay quanh mức 1.180 – 1.200 điểm. Việc retest vùng đáy kỹ thuật thành công quanh vùng 1.150 trong tuần vừa qua cùng với dòng tiền bắt đáy trở lại, thông tin hỗ trợ từ KQKD Q1/2021 sẽ là động lực hỗ trợ ngắn hạn cho đà phục hồi của thị trường.

Trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index đang được neo giữ trên mức hỗ trợ MA50 và Fibonacci Retracement 23,6% tương ứng vùng 1.150 điểm. Trong trường hợp vùng hỗ trợ mạnh này tiếp tục giữ vững, kịch bản phục hồi nhẹ và sideway trong khung hẹp từ 1.150 – 1.180 sẽ là kịch bản cơ sở trong tuần này khi sự nhiễu động về mặt thông tin vẫn còn là ẩn số. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại và nhóm NĐT cá nhân cũng sẽ là một rào cản về mặt giao dịch trong bối cảnh thanh khoản gặp khó do hệ thống giao dịch.

Về chiến lược giao dịch, MBS cho rằng trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem xét giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn cổ phiếu và việc chọn lọc danh mục cần kỹ càng hơn trước những thông tin mới từ KQKD và ĐHCĐ. Ưu tiên trading trong biên dao động của VN-Index trong khoảng dao động 1.150 – 1.180 điểm với chiến lược mua thấp, bán cao tại vùng hỗ trợ/kháng cự.

Trường hợp vùng 1.150 bị phá vỡ, cần chuẩn bị kịch bản cho khả năng VN-Index về ngưỡng hỗ trợ thấp hơn và lúc đó có thể chờ điểm mua tại các vùng hỗ trợ tiềm năng như 1.100 điểm.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên